Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023
– Sáng 14/1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 điểm cầu trong cả nước để triển khai nhiệm vụ lao động (LĐ), người có công (NCC) và xã hội năm 2023. Dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Năm 2022, ngành LĐTB&XH thực hiện đạt 3/3 chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15, gồm: tỷ lệ thất nghiệp của LĐ khu vực thành thị dưới 2,79%; tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt khoảng 67% và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%. Thực hiện đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu Chính phủ giao gồm: đưa trên 142 nghìn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng LĐ trong độ tuổi LĐ tham gia BHXH đạt khoảng 38% và tỷ lệ lực lượng LĐ trong độ tuổi LĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng
31,1%.
Triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ LĐTB&XH đề ra 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 8 nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện 6 chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao và nhiều chỉ tiêu, mục tiêu khác của ngành.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, các địa phương đã nêu ý kiến đóng góp làm rõ hơn những kết quả ngành đã đạt được, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với ngành LĐTB&XH.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ngành LĐTB&XH cần tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết chuyên đề, các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực LĐ, NCC và xã hội trong Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch năm 2023.
Thủ tướng đề nghị: Ngành cần tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về LĐ, NCC và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực. Đồng thời tăng cường, nâng cao năng lực nắm bắt, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình LĐ, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội; ổn định và phát triển thị trường LĐ bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phát triển KTXH và hội nhập quốc tế; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách với NCC, đối tượng trợ giúp xã hội, hộ nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau; thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở cho người lao động, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về LĐ, NCC và xã hội.
Nhân dịp này, Bộ LĐTB&XH cũng đã công bố các quyết định thi đua khen thưởng, các danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân NLĐ trong toàn ngành.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 19.436 người, nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 60%, đạt 100% so với kế hoạch đề ra; giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 LĐ trên địa bàn tỉnh, đạt 113,3% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021, đạt 109,3% so với kế hoạch đề ra. |
THANH HUYỀN
Ý kiến ()