Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Chiều nay (12/1), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 điểm cầu trong cả nước để triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nông Lương Chấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh;…
Năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế – xã hội, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động (NLĐ), người dân gặp khó khăn; triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tổng kinh phí hỗ trợ của cả nước là gần 36 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ ảnh hưởng dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị SDLĐ, tương ứng 9,68 triệu NLĐ với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Bộ LĐTB&XH đã ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc. Cùng với đó, ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%; 1.579 nghìn lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo kết quả rà soát cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của cả nước khoảng 2,23%, giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 3,37%, giảm 0,34% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4% và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ước giảm 3% so với năm 2020.
Triển khai nhiệm vụ năm 2022, Bộ LĐTB&XH đưa ra 5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 9 nhiệm vụ, giải pháp tập trung thực hiện…
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, các địa phương đã nêu ý kiến đóng góp làm rõ hơn những kết quả ngành đã đạt được, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với ngành LĐTB&XH.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị: Các bộ, ngành liên quan phối hợp tốt với Bộ LĐTB&XH để triển khai hiệu quả các chính sách an sinh, trợ giúp xã hội. Đối với vấn đề đưa lao động đi nước ngoài làm việc cần có chính sách quản lý, xem xét thị trường chặt hơn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đối với đào tạo nghề, cần sắp xếp lại theo hướng 1 đầu mối Nhà nước quản lý, đưa các đơn vị ra tự chủ. Đối với vấn đề bảo vệ trẻ em, ngành LĐTB&XH, các tỉnh, thành phố cần hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã.
Đối với cải cách hành chính, chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Toàn ngành LĐTB&XH cần quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, cần đi trước một bước nhằm xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐTB&XH cần cố gắng chăm lo tết cho người có công, các đối tượng bảo trợ và người dân an toàn, đầm ấm, kịp thời, ý nghĩa.
Nhân dịp này, Bộ LĐTB&XH đã công bố các quyết định thi đua khen thưởng, các danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân NLĐ trong toàn ngành.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2021, ngành LĐTB&XH tỉnh đã tạo việc làm mới cho 14.100 NLĐ trên địa bàn tỉnh, đạt 100,7% kế hoạch; tuyên truyền, tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động cho trên 11.281 lượt người; tổ chức 38 phiên giao dịch việc làm vào thứ 5 hằng tuần; 21 phiên lưu động; 2 phiên giao dịch việc làm online trực tuyến. Năm 2021, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,12% tương đương giảm 5.025 hộ, đạt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tổng số tiền hơn 86,2 tỷ đồng. |
Ý kiến ()