LSO-Nằm trong tốp 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong toàn tỉnh, con đường phát triển của Bình Gia gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Hạ tầng thấp kém như sợi dây vô hình kìm hãm sự phát triển sản xuất… Bởi thế mà trong suốt những năm qua, củng cố cơ sở hạ tầng nông thôn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của huyện. Sản xuất đũa tre ở xã Hoa Thám, huyện Bình Gia - Ảnh: Công QuânTriển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một mặt Bình Gia tập trung sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, mặt khác tăng cường huy động các nguồn lực khác trong xã hội, huy động sức dân để củng cố hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất. Tính từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn huyện đã đóng góp hơn 20.000 ngày công để tu sửa, nâng cấp, củng cố các công trình thủy lợi. Nạo vét trên 50.000km kênh mương; nâng cấp 208 phai, đập nhỏ và...
LSO-Nằm trong tốp 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong toàn tỉnh, con đường phát triển của Bình Gia gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Hạ tầng thấp kém như sợi dây vô hình kìm hãm sự phát triển sản xuất… Bởi thế mà trong suốt những năm qua, củng cố cơ sở hạ tầng nông thôn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của huyện.
Sản xuất đũa tre ở xã Hoa Thám, huyện Bình Gia – Ảnh: Công Quân
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một mặt Bình Gia tập trung sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, mặt khác tăng cường huy động các nguồn lực khác trong xã hội, huy động sức dân để củng cố hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất. Tính từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn huyện đã đóng góp hơn 20.000 ngày công để tu sửa, nâng cấp, củng cố các công trình thủy lợi. Nạo vét trên 50.000km kênh mương; nâng cấp 208 phai, đập nhỏ và tu sửa hơn 100 guồng, cọn; kiên cố hóa 6.000m kênh mương nội đồng. Những nỗ lực ấy đã góp phần quan trọng hình thành mạng lưới thủy lợi ngày càng hoàn thiện giúp địa phương mở rộng được diện tích sản xuất, phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 85 công trình thủy lợi lớn, trong đó có 20 hồ chứa và 65 đập với chiều dài kênh mương trên 82 km. Toàn bộ hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động nước cho 1.450 ha đất canh tác.
Đồng thời với củng cố hệ thống thủy lợi, Bình Gia tập trung phát triển giao thông nông thôn. Trong vòng 4 năm trở lại đây, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn huyện đã bê tông hóa được hơn 100km đường và mở mới trên 50km đường giao thông nông thôn. Những tuyến huyết mạch của vùng khó dần được khai thông, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất hàng hóa. Với hệ thống gồm 5 chợ tại trung tâm thị trấn và các trung tâm cụm xã, nông sản không chỉ dừng lại ở việc cung cấp trong nội huyện, mà đã bắt đầu mở rộng tiêu thụ ra các tỉnh lân cận.
Ông Nông Sỹ Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: triển khai kế hoạch và chương trình hành động của Huyện ủy, UBND huyện thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, song song với việc củng cố hạ tầng nông thôn, Phòng NN&PTNT cùng với các ban ngành trong huyện đã tăng cường các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông. Đã có tổng số 5 danh mục, đề tài đăng ký thực hiện, 2 trong số đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các lĩnh vực chủ yếu tập trung là trồng trọt, chăn nuôi, gắn liền với đào tạo nghề cho nông dân. Từ năm 2008 đến hết tháng 9/2012, toàn huyện đã mở được 56 lớp dạy nghề cho 1.626 học viên, từ đào tạo kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp đến các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Một mặt nâng cao hiệu quả sản xuất, mặt khác tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn.
Nhân dân xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia chung sức cải tạo hệ thống thuỷ lợi
Theo ông Lương Trương Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện, Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự như một luồng gió mới, tạo sự đồng thuận cao từ nhân dân, tạo ra sức bật mới cho Bình Gia. Trong vòng 2 năm qua, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện vấn đề tam nông càng trở nên rõ ràng và cụ thể hơn đối với địa phương. Ban chấp hành Huyện ủy đã đồng thời ban hành 2 nghị quyết chuyên đề quan trọng về nông thôn mới và giảm nghèo. Trong đó phát triển và củng cố hạ tầng nông thôn vẫn tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng hướng thực hiện thì đã tập trung hơn và chú trọng hơn đến việc huy động nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bình Gia lên đến con số 61,35%, thì cho đến nay đã giảm xuống còn 56,4%. Mặc dù con số ấy chưa phải là thấp, vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng với hướng đi được xác định đúng đắn, phù hợp và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, Bình Gia đang đổi thay từng ngày.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()