Triển khai Nghị quyết của UBTVQH về thí điểm hợp nhất 3 văn phòng
Ngày 29/11, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thí điểm trong 1 năm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch số 735 và giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu xây dựng Đề án và tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng, bảo đảm thực hiện toàn diện, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sáp nhập, cơ cấu, quy định bên trong không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nhằm tinh giảm bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo.
Theo đó, các Văn phòng thí điểm hợp nhất là bộ máy giúp việc chung cho cả 3 cơ quan sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2019, quá trình thí điểm trong thời gian 1 năm sẽ là cơ sở để chúng ta nhìn lại, tổng kết, đánh giá hoạt động của văn phòng chung, là một trong những cơ sở để tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và để tổ chức thực hiện thống nhất trong cả nước.
Để chuẩn bị công tác này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được ý kiến của một số địa phương đề nghị hướng dẫn cụ thể thêm về một số nội dung liên quan đến thủ tục hợp nhất, cơ cấu tổ chức, bố trí quản lý, sử dụng biên chế, kinh phí…Vì vậy, Hội nghị triển khai Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 được tổ chức nhằm lấy thêm ý kiến đóng góp của các đồng chí vào dự thảo bản hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội chuyển giao công chức, lao động hợp đồng, cơ sở vật chất của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và kinh phí của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14.
Các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, con người đều là vấn đề nhạy cảm nên việc chuyển giao cần được tiến hành một cách thận trọng, chặt chẽ, đúng pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, trao đổi để thống nhất nhận thức, cách thức tiến hành và những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra khi tiến hành hợp nhất, phương hướng giải quyết, giúp việc thực hiện chuyển giao đạt kết quả tốt nhất.
Văn phòng “3 trong 1”
Tại hội nghị, các đại biểu nghe Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản trình bày dự thảo Hướng dẫn chuyển giao công chức, lao động hợp đồng, cơ sở vật chất của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và kinh phí của Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14.
Dự thảo xác định biên chế công chức chuyển giao; thực hiện chuyển giao nguyên trạng biên chế công chức, hợp đồng lao động hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố; chuyển giao tổ chức và đoàn viên công đoàn Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trực thuộc Công đoàn Văn phòng Quốc hội về công đoàn địa phương quản lý. Dự thảo cũng chỉ rõ nội dung, chương trình lễ chuyển giao, việc tổ chức thực hiện, việc chuyển giao cơ sở vật chất và kinh phí đối với công tác tài chính, kế toán và đối với tài sản.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/01/2019 đến hết ngày 31/12/2019. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước tương đương cấp Sở, thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng Lãnh đạo Văn phòng hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất. Các địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng Phó Chánh Văn phòng theo quy định chung.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo lĩnh vực được phân công.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân điều hành công việc của Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng.
Tại hội nghị các đại biểu dành nhiều sự quan tâm và thảo luận cho ý kiến về các vấn đề như xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Văn phòng, bảo đảm cơ chế chính sách chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, vị trí vai trò của Văn phòng chung và Chánh Văn phòng để bảo đảm hiệu quả hoạt động, vấn đề xây dựng quy chế hoạt động, trình tự thủ tục thực hiện hợp nhất…
Thực hiện thận trọng, chặt chẽ, khách quan
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là vấn đề mới và khó nhưng cần quán triệt thống nhất để tổ chức triển khai thực hiện, thảo luận để góp phần đưa giải pháp giải quyết bất cấp khó khăn; đồng thời lưu ý do đây là vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, con người, cơ chế chính sách nên có sự phức tạp nhạy cảm, vì vậy quá trình thực hiện phải bảo đảm thực hiện thận trọng, chặt chẽ, khách quan.
Trên cơ sơ ghi nhận tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục thảo luận và có báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có văn bản hướng dẫn đến các tỉnh thực hiện thí điểm.
Trong đó, qua thảo luận tại hội nghị, thống nhất một số nội dung sơ bộ như việc thành lập Văn phòng chung cần thống nhất trình ra Hội đồng nhân dân theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện. Cùng với đó sẽ xây dựng quy chế mẫu để các địa phương tham khảo xây dựng quy chế hoạt động của Văn phòng chung.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong quá trình tổ chức thực hiện có phát sinh vấn đề thì các địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có hướng giải quyết./.
Ý kiến ()