Triển khai Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Sáng 18/5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”.
TS Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM và ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước USAID Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, Nghị quyết 19/2016 không chỉ được bổ sung nhiều nội dung mới mà còn có sự khác biệt về tổ chức thực hiện. Điều dễ nhận thấy trước tiên là sự đồng hành, theo dõi, đánh giá sát sao của Chính phủ. TS Nguyễn Đình Cung mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tham gia tích cực hơn vào hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh; chủ động đề đạt, kiên quyết đòi hỏi bộ máy công quyền thay đổi, lấy người dân làm đối tượng phục vụ chứ không coi ngưới dân là đối tượng kiểm tra, kiểm soát.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã cải thiện được 3 bậc (từ 93 lên 90) và cải thiện 5/10 chỉ tiêu (khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, phá sản doanh nghiệp…).
Cụ thể, thứ hạng về khởi sự kinh doanh của nước ta năm 2015 có cải thiện 6 bậc, hiện ở vị trí 119/189 nền kinh tế, thấp hơn trung bình ASEAN 4 (đang là 71/189). Tuy nhiên, theo bà Thảo, đánh giá này của WB đưa ra năm 2015 khi Luật Doanh nghiệp mới chưa có hiệu lực. Trong năm 2016, nếu theo cách tính toán của WB, thực hiện nghiêm, đầy đủ Luật Doanh nghiệp 2014 thì thứ hạng của Việt Nam sẽ tăng lên vị trí 50, đạt mức trung bình của ASEAN 4.
Chỉ tiêu về tiếp cận điện năng có cải thiện tốt trong năm 2015, đã giảm được 56 ngày (so với mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra 70 ngày), cải thiện 27 bậc. Nhưng theo thứ hạng thì vẫn ở mức 108/189 nền kinh tế và thua xa trung bình của các nước ASEAN 4 (trong đó: Malaysia thứ 13/189, Philippines thứ 19/189, Singapore thứ 6/189, Thái Lan thứ 11/189).
Về giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục 2 năm gần đây giảm bậc. Nguyên nhân chính do bất cập trong công tác quản lý chuyên ngành của các bộ (liên quan hơn 10 bộ).Thời gian thực hiện thủ tục về xuất nhập khẩu của nước ta còn dài hơn rất nhiều Thái Lan, Malaysia và cũng cách xa mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra.
Chỉ số cấp phép xây dựng là chỉ số đi xuống so với các chỉ số khác khi bị kéo dài ngày lên 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày), chủ yếu nằm ở thủ tục cấp phép xây dựng. Theo theo quy định pháp luật chỉ mất 30 ngày, thực tế mất 82 ngày, thời gian bị kéo dài này nằm ở cơ quan cấp phép xây dựng.
Đối với chỉ số đăng ký sở hữu tài sản cũng không có cải thiện, không những không giảm mà năm 2015 còn tăng thêm 1 thủ tục và thời gian kéo dài thêm 0,5 ngày. Chỉ số này của nước ta còn ở sau khá xa trung bình các nước ASEAN 4, ví dụ Malaysia mất 13 ngày, Philippines mất 35 ngày, Thái Lan 3 ngày, Singapore 4,5 ngày, còn Việt Nam tới 57,5 ngày để đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản.
Chỉ số tiếp cận tín dụng, trong Nghị quyết 19 không tiếp cận theo tiêu chí của WB mà theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Theo đó, hiện nay, nước ta ở vị trí khá thấp, chỉ đứng thứ 88/140 nền kinh tế. Trong khi đó, nếu so với trung bình các nước ASEAN 4 thì chỉ là thứ hạng 15, còn Nghị quyết 19 đặt mục tiêu ta ở vị trí 30.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẳng định quan điểm Chính phủ coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế; Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử… nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()