Triển khai Nghị định 67: Địa phương vẫn “chờ” Trung ương
Đã có khoảng 10 Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được ban hành nhằm đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực.
Tuy nhiên, sau khi đoàn công tác của Bộ NN và PTNT làm việc tại một số tỉnh thành cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn chậm chễ trong quá trình thực hiện và đang trông chờ sự hướng dẫn chi tiết hơn nữa từ Trung ương để triển khai thực hiện.
Thuyền của ngư dân tập trung về bến. (Ảnh: HNV) |
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ NN và PTNT sẽ là đơn vị hoàn thiện việc nghiên cứu các mẫu tàu đánh bắt thủy sản để ngư dân lựa chọn đóng mới. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: “Phải để ngư dân tham gia thiết kế mẫu tàu của mình, tránh việc cán bộ ngồi ở văn phòng thiết kế tàu”. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: Sau khi trễ hẹn ngày 25/9 sẽ công bố các mẫu tàu với ngư dân, Bộ đang tập trung mọi điều kiện, nguồn lực, cố gắng đến 15/10 sẽ công bố.
Theo ông Đào Hồng Đức, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các mẫu tàu đang trong quá trình được Hội đồng tư vấn, thẩm định kỹ thuật phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo trực tiếp với ngư dân để lấy ý kiến góp ý. Các đơn vị thiết kế đã cơ bản xong phần thiết kế sơ bộ và đang chuẩn bị thiết kế kỹ thuật. Sau khi có thiết kế kỹ thuật, Hội đồng tư vấn, thẩm định tiếp tục cùng các đơn vị thiết kế tổ chức họp, hội thảo với ngư dân địa phương để làm sao tàu có thiết kế sát với nguyện vọng của ngư dân. Sau khi có sự góp ý của người dân, Hội đồng tư vấn, thẩm định tiếp tục thẩm định lại.
“Do quy trình thẩm định mẫu tàu khắt khe nên việc ban hành các mẫu thiết kế tàu vẫn còn chậm. Dự kiến, Tổng cục Thủy sản sẽ trình Bộ NN và PTNT ban hành 21 mẫu tàu”, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết.
Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… về tiến độ thực hiện Nghị định 67 ở địa phương. Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết: Trong quá trình kiểm tra cho thấy, một số tỉnh triển khai vẫn còn chậm. Mới chỉ có Quảng Ngãi đã thực hiện việc phân bổ tàu thuyền được cấp của tỉnh cho các huyện và huyện phân bổ cho các xã. Các địa phương khác mới chỉ thành lập các ban chỉ đạo, việc triển khai tuyên truyền, hướng dẫn đến với ngư dân còn hạn chế.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, Quảng Ngãi đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 67. Bên cạnh việc giao chỉ tiêu số lượng tàu thuyền được đóng mới cho huyện, xã ven biển, tỉnh chủ động ban hành các mẫu đơn đăng ký tham gia các chính sách của Nghị định và mẫu phương án sản xuất kinh doanh thống nhất trong toàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chủ động đăng ký theo quy định.
Để chính sách đến với ngư dân huyện đảo được nhanh chóng, đầy đủ, Bí thư huyện ủy Lý Sơn (Quảng ngãi), ông Nguyễn Thanh cho biết: Huyện đã phối hợp với đài phát thanh huyện, UBND các xã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện hiểu rõ về Nghị định 67 như: chính sách hỗ trợ cho vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên, hỗ trợ chi phí vận chuyển đối với tàu dịch vụ hậu cần, chính sách đào tạo… để người dân đăng ký tham gia thực hiện.
Theo kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 67 của huyện Lý Sơn, thì huyện này cần gần 235 tỷ đồng vốn vay để đóng mới tàu. Ngoài ra, còn cần gần 16 tỷ đồng để nâng cấp các tàu hiện có.
Sau khi phân bổ số lượng tàu được đóng mới cho các xã, huyện Lý Sơn đã giao trách nhiệm cụ thể tới các phòng, ban và UBND xã. Theo đó, UBND xã sẽ tổ chức xác nhận đối tượng được vay vốn theo quy định và gửi UBND huyện thẩm định; hướng dẫn các đối tượng vay vốn tuân thủ các quy định của pháp luật để chính sách được triển khai có hiệu quả, ông Nguyễn Thanh cho biết.
Còn tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đà Nẵng cho biết: Sở vừa kiến nghị với Bộ NN và PTNT cần phải có các tiêu chí cụ thể để đánh giá như: tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính. Hay những hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký, xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu khai thác và dịch vụ khai thác hải sản; các hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá và công bố các cơ sở đóng mới, cải hoán đủ điều kiện theo quy định…
“Không chỉ riêng Đà Nẵng, các địa phương đang rất trông chờ vào việc ban hành các mẫu thiết kế tàu cũng như những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về các điều kiện được vay vốn. Ngư dân mong chờ các mẫu thiết kế tàu vỏ thép để biết được tàu vỏ thép như thế nào, giá trị con tàu ra sao để từ đó có phương án đầu tư”, ông Phạm Ngọc Tuấn nói.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng cục Thủy sản sẽ có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp cùng với Bộ NN và PTNT, Bộ Tài chính để hướng dẫn chi tiết hơn về điều kiện sản xuất kinh doanh hiệu quả, vốn đối ứng, các phương án sản xuất kinh doanh…
Về số lượng tàu thuyền các địa phương được đóng mới, Bộ NN và PTNT đã thông báo cụ thể về quy định số lượng tàu đánh bắt xa bờ. Đồng thời, Bộ cũng phân bổ cụ thể từng địa phương được đóng bao nhiêu tàu cá đánh bắt xa bờ, bao nhiêu tàu dịch vụ hậu cần.
Với số lượng tàu đã được phân cấp, lãnh đạo các địa phương trên đều cho rằng: qua khảo sát, nhu cầu đóng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân là rất lớn, vượt quá chỉ tiêu mà Bộ NN và PTNT cho phép. Tuy nhiên, ông Đào Hồng Đức khẳng định, việc cấp hạn ngạch số lượng tàu thuyền cho các địa phương phát triển, căn cứ vào nguồn lợi, quy hoạch, để làm sao nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, chứ không có chuyện cấp ồ ạt. Bộ NN và PTNT chỉ đề nghị tăng lượng đánh bắt ở 5 nghề: câu, vây, lưới rê, chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đối tượng hải sản khuyến khích khai thác là cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn.
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám cũng đề nghị các địa phương, danh sách các chủ đầu tư, hộ ngư dân đăng ký đóng tàu mới đánh bắt xa bờ cần được công khai, minh bạch; không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ hỗ trợ người có nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể. Bên cạnh đó, các tỉnh cần làm điểm để rút kinh nghiệm triển khai và lựa chọn phương án đóng tàu vỏ sắt, vỏ gỗ hay composite.
Theo CPV
Ý kiến ()