Triển khai ngay các biện pháp phòng, chống cúm A
* Ðối phó nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi Chiều 3-4, Bộ Y tế có hai công văn khẩn đề nghị hai bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; các viện vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống cúm A (H7N9).
* Ðối phó nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi Chiều 3-4, Bộ Y tế có hai công văn khẩn đề nghị hai bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; các viện vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống cúm A (H7N9).
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị hai bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương chỉ đạo việc tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam. Ðẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Tiến hành điều tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, thực hiện xử lý kịp thời các ổ dịch hạn chế lây lan. Ðẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ Y tế đề nghị giám đốc các sở y tế, viện trưởng các viện khẩn trương chỉ đạo, triển khai phối hợp cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm. Triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi-rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu gửi về các viện vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với người bệnh, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức việc thu dung, cách ly, điều trị cho người bệnh. Các viện vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ ngoài việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị các phương tiện, hóa chất xét nghiệm để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi nhiễm cúm A (H7N9).
* Sáng 3-4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội nghị quốc gia về áp dụng phương thức tiếp cận “Một sức khỏe” trước nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mối tương tác con người – động vật – hệ sinh thái ở Việt Nam. Tham dự, có Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ðiều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng các đối tác, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực thú y và y tế trong và ngoài nước. Các tham luận tại hội nghị nêu lên các nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người đối với các quốc gia châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung, nêu lên các giải pháp như sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc tăng cường áp dụng phương thức tiếp cận “Một sức khỏe” để giải quyết các bệnh có nguồn gốc từ động vật, gây tác động đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và sinh kế con người.
Nhandan
Ý kiến ()