Triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Còn nhiều điểm vướng
Các cơ quan quản lý nhà nước, tố tụng, thi hành án là những cơ quan có nhiều hoạt động liên quan đến quyền lợi của người dân, do đó cũng nảy sinh trường hợp gây thiệt hại đến quyền lợi của đối tượng này. Vì vậy, luật TNBTNN ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý khả thi để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên….
Biên chế: Chưa
Việc giải quyết bồi thường do các cơ quan có trách nhiệm thực hiện là một nhiệm vụ mới, phức tạp, đòi hỏi phải tuân theo một thủ tục chặt chẽ do Luật định. Sau một năm triển khai thi hành Luật TNBTNN tại các Bộ ngành, địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh, đặc biệt là chưa có biên chế chính thức để ràng buộc trách nhiệm cho những người đảm nhận trọng trách giải quyết vấn đề này.
Theo Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp có nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác bồi thường. Song đến thời điểm này, hầu hết các địa phương chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về tổ chức, bộ máy, biên chế nên chẳng biết thực thi Luật kiểu gì. Một số địa phương « sáng tạo » bằng cách tự trao việc cho một phòng ban nào đó thuộc Sở như Phòng Xây dựng, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật hay Thanh tra Sở hoặc Phòng Bổ trợ tư pháp trong khi chờ xây dựng xong đề án về biên chế. Đại diện Sở Tư pháp Yên Bái cho hay, trong quá trình thực hiện Luật TNBTNN, họ gặp nhiều khó khăn, biên chế thì chưa có. Nhiệm vụ thì tăng lên, khó khăn nhiều hơn nhưng biên chế chưa kịp tăng theo, nên rất khó.
Thiếu biên chế, nhân sự được giao thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên thiếu kinh nghiệm giải quyết vụ việc. Cũng do đó, đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường tại một số địa phương cũng chả biết lấy ở đâu.
Văn bản hướng dẫn : Thiếu
Trên thực tế, số lượng đơn từ đòi giải quyết đòi bồi thường thiệt hại của người dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tòa án, thi hành án không phải là nhỏ và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, cấp phép…Khi nền kinh tế phát triển, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi trái pháp luật của cán bộ công chức Nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ.
Nhưng nhiều quy định hiện hành của luật TNBTNN chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề cụ thể về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa được đề cập rõ ràng…Cũng theo phản ánh của nhiều địa phương và các bộ ban ngành, mới chỉ có một trên tổng số sáu Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật được ban hành. Theo đại diện Sở Tư pháp Điện Biên, « Điều 21 Nghị định 16 nêu chín nội dung, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề cần hướng dẫn cụ thể. Thí dụ, theo dõi giám sát, thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) thì ai làm. Chúng ta có thể hiểu ngầm ở Sở tư pháp phải giúp UBND tỉnh, nhưng không đơn giản nếu không có hướng dẫn cụ thể. Điện Biên hiện chưa xảy ra trường hợp nào phải bồi thường Nhà nước nhưng nếu không có hướng dẫn cụ thể thì rất khó thực hiện ».
Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành Luật TNBTNN đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác giải quyết bồi thường. Luật thủ tục giải quyết các vụ án hành chính vừa được thông qua đã mở rộng thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của Toà án, cũng như xử lý các vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về đất đai. Luật thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cũng đặt ra yêu cầu ngày một cao đối với việc giải quyết bồi thường do khả năng phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trên cơ sở phán quyết của Toà án về xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Luật TNBTNN được mong đợi và kỳ vọng rất nhiều của người dân, những người luôn được cho là đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhưng hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người dân này phải có tính khả thi chứ không chỉ là văn bản ban hành cho… có nếu được thực hiện một cách nghiêm túc.
Ý kiến ()