Triển khai hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm
Việc đẩy mạnh các chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Trong buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I-2023 vào chiều 31-3, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến giảm lãi suất cho vay.
Kỹ sư của Công ty Cổ phần Vicostone kiểm tra hoạt động vận hành của dây chuyền sản xuất. Ảnh: NGUYỄN HÀ |
Ngày 15-3, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế và tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, NHNN Việt Nam quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế, trong tháng 2-2023, NHNN Việt Nam đã làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM), khuyến khích các NHTM tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6-12 tháng kể từ ngày 6-3-2023.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam), đến nay đã có 24 NHTM điều chỉnh giảm lãi suất. Đây là cơ sở để các NHTM có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính. Số liệu báo cáo từ cuộc họp cho biết, đến ngày 28-3-2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Về điều hành tín dụng, ông Đào Minh Tú chia sẻ, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN Việt Nam định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại các địa phương. Qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ; làm rõ thông tin, nguyên nhân các trường hợp không tiếp cận được vốn vay… NHNN Việt Nam cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật; thành lập đường dây nóng (điện thoại, email) để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; xử lý, trả lời rõ ràng đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể…
Tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đã giao NHNN Việt Nam chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các NHTM. Trong đó chủ lực là 4 NHTM Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và các NHTM ngoài nhà nước có đủ điều kiện tham gia các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn bằng đồng Việt Nam bình quân của 4 NHTM Nhà nước trên thị trường.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, ông Đào Minh Tú cho biết, năm 2023, NHNN Việt Nam bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể: Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụngtiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất;…
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/trien-khai-ho-tro-lai-suat-la-nhiem-vu-trong-tam-723600
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()