Triển khai hiệu quả nghị quyết về phát triển nông nghiệp ở Sơn La
Sơn La được đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp”, được biết đến là vựa trái cây lớn nhất miền bắc với thu nhập hộ làm nông nghiệp từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha… Có được kết quả đó chính là nhờ Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Sơn La đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp vào điều kiện cụ thể địa phương…
Sản phẩm xoài của Sơn La đã xuất khẩu được ra nhiều nước trên thế giới. |
Khoảng 10 năm về trước, Sơn La được nhắc tới là một vựa ngô của cả nước. Nhưng cũng bởi khắp các huyện, thành phố cứ nghi ngút khói từ những vạt nương, triền đồi do người dân đốt nương, làm đất chuẩn bị gieo ngô, mà dẫn tới đất rừng bị thu hẹp và đất trống, đồi trọc lại tăng sau mỗi vụ ngô. Nhiều vụ ngô được mùa, được giá nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thậm chí, khi ngô rớt giá, bao hộ nông dân lao đao, nhiều hộ phải bán nương gán nợ hay phải đi làm thuê trên chính mảnh đất từng là của mình…
Trước thực tiễn đó, nhiều cuộc khảo sát, dự thảo đề án chuyển đổi cây trồng trên đất dốc liên tục được triển khai, những cuộc hội thảo từ phòng họp ra tận nương đồi và những chuyến tham quan học tập các mô hình ở các tỉnh, thành phố trên cả nước được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của Sơn La trực tiếp tham gia. Đó cũng là những cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn để sau đó ban hành Thông báo về Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc có ý nghĩa cởi nút thắt, mở đầu cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Vận dụng chủ trương vào thực tiễn
Nhớ lại những năm tháng đặt nền móng và vận dụng hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn để phát triển nông nghiệp, đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2021, tỉnh Sơn La đã đề ra bảy chương trình trọng tâm, trong đó có ba chương trình liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nhấn mạnh vào “chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nội dung trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, chuyển mạnh từ diện tích trồng cây ngắn ngày sang trồng cây ăn quả và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Khi bàn về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến do dự, nhưng sau khi phân tích, Ban Thường vụ quyết định ứng dụng công nghệ cao và phải phù hợp thực tiễn.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2021, tỉnh Sơn La đã đề ra bảy chương trình trọng tâm, trong đó có ba chương trình liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nhấn mạnh vào “chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực về nông nghiệp, khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp của địa phương. Nổi bật là việc tỉnh đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng công nghệ mới, giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển các loại cây công nghiệp với quy mô diện tích lớn ở những vùng có điều kiện; xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Tại cuộc hội thảo khoa học về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh mới diễn ra tại Sơn La cuối tháng 9 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Sơn La chính là thực tiễn sinh động đối với việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong tình hình mới.
Cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực, khơi dậy được tiềm năng, giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp tỉnh. Đặc biệt, việc ban hành nghị quyết phát triển mô hình “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” thật sự là cách làm đột phá, đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La, giúp cơ cấu lại cây trồng, mở rộng quy mô trồng trọt, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở, lũ ống.
Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đã đầu tư nhà máy chế biến mủ cao-su tại Sơn La. |
Hiện tỉnh Sơn La có 113.000ha cây trồng lâu năm, trong đó có 84.000ha cây ăn quả với sản lượng quả năm 2022 đạt gần 437.000 tấn, trong đó xuất khẩu 9.071 tấn. Tỉnh đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nhân dân tiêu thụ 145.884 tấn các loại quả còn lại; có 240 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865ha cây ăn quả và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm nông sản đã được đưa lên 35 sàn thương mại điện tử, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 quốc gia và vùng lãnh thổ; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm OCOP…
Chủ trương hợp lòng dân
Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng và hình thành một khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có tám vùng trở lên đủ điều kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hai doanh nghiệp trở lên được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Sơn La có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản.
Trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu như sữa, mía đường, cà-phê, chè…; 744 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hơn 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả vào tỉnh, như: Vinamilk đầu tư Nhà máy chế biến sữa và dự án “Tổ hợp thiên đường sữa” tại Mộc Châu; Tập đoàn TH đầu tư Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ; Tổng công ty Chè Việt Nam đầu tư Nhà máy Chè Mộc Châu và Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đầu tư Nhà máy chế biến mủ Cao-su Sơn La…
Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện. Trong đó xác định Sơn La là: Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết hợp phát triển du lịch; xây dựng thành phố Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã và đang tạo sức bật lớn cho ngành nông nghiệp địa phương. Hiện tại cả diện tích và sản lượng quả đã tăng gấp nhiều lần năm 2015, đưa tỉnh Sơn La vươn lên trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ hai cả nước với thu nhập cao trên mỗi héc-ta…
Đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La
Về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 15 đã xác định: “Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất quy mô hàng hóa, gắn với chế biến và xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành một số cơ chế, chính sách về nông nghiệp hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhiều tổ chức, cá nhân như: Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021.
Đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, khẳng định: “Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã và đang tạo sức bật lớn cho ngành nông nghiệp địa phương. Hiện tại cả diện tích và sản lượng quả đã tăng gấp nhiều lần năm 2015, đưa tỉnh Sơn La vươn lên trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ hai cả nước với thu nhập cao trên mỗi héc-ta…”.
Để thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Sơn La đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế- xã hội. Trong đó, Sơn La sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; tăng cường liên kết sáu nhà với nòng cốt là liên kết nhà nông-nhà doanh nghiệp, nâng cao vai trò của hợp tác xã, góp phần hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Theo Nhandan
Ý kiến ()