Thứ 3, 11/02/2025 15:23 [(GMT +7)]
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ
Thứ 2, 03/01/2011 | 08:50:00 [(GMT +7)] A A
Năm 2010 là năm ngành khoa học và công nghệ (KH và CN) gặt hái được nhiều thành công trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới cơ chế quản lý KH và CN. Đây là kết quả sau nhiều năm ngành tập trung xây dựng cơ chế chính sách, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH và CN.
Từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật
Việc xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật và đưa các văn bản đã ban hành đi vào cuộc sống tiếp tục được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ngay từ đầu năm 2010, Bộ KH và CN tập trung xây dựng các đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao, Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung).
Tính đến ngày 30-11-2010, bộ đã hoàn thành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 12 đề án, trong đó có 10/14 đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2010 và hai đề án ngoài Chương trình công tác
Nét nổi bật trong năm 2010 là ngành KH và CN đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị một số dự án, chương trình quốc gia. Đây là các nhiệm vụ có tính chiến lược, ảnh hưởng sâu sắc tới khả năng tự chủ của nước ta trong việc phát triển kinh tế và khoa học, công nghệ, trong đó, vạch ra con đường và những hướng đi cơ bản để KH-CN trong nước nhanh chóng bắt kịp với trình độ khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực nước ta có thế mạnh; góp phần giải quyết những vấn đề lớn của đất nước trong phát triển và hội nhập; cải thiện an sinh xã hội và đời sống nhân dân; duy trì tốc độ phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH) nhanh và bền vững, đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.
Ngành tập hợp một lực lượng nòng cốt các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp tham gia xây dựng các chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn và chương trình quốc gia nhằm rút ngắn khoảng cách tụt hậu và thúc đẩy phát triển KH và CN nhanh, bền vững. Tiêu biểu là các đề án: Chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao; Chương trình phát triển thị trường công nghệ; Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đến năm 2020; Kế hoạch phát triển KH và CN trung hạn năm năm và Chiến lược mười năm phát triển KH và CN. Chương trình phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân.
Trong vài ba năm trở lại đây, nhất là trong năm 2010, Bộ KH và CN cùng nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cá nhân các nhà khoa học tổ chức triển khai Nghị định 115/2005/NĐ-CP về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH và CN công lập và thành lập doanh nghiệp KH và CN theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP. Bộ KH và CN đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115 và Nghị định 80 nhằm giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương này. Bên cạnh đó, bộ cũng đã cơ bản hoàn thành Chương trình phát triển doanh nghiệp KH và CN và hỗ trợ các tổ chức KH và CN công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo bước đi mang tính 'đột phá', 'cởi trói' cho các tổ chức KH và CN, thúc đẩy việc hình thành doanh nghiệp KH và CN như một lực lượng sản xuất mới đi đầu trong ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH và CN, phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu của thị trường.
Đến nay, đã có hơn 300 doanh nghiệp được tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp KH và CN, tăng gấp hai lần so với năm 2009. Các đơn vị chức năng khảo sát hơn 1.500 doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH và CN để hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ.
Khởi sắc hoạt động KH và CN ở bộ, ngành và địa phương
Trong năm 2010 phương thức hoạt động KH và CN của nhiều bộ, ngành đã có những cách tiếp cận thực tế hơn, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đi theo các hướng trọng tâm, mang lại hiệu quả rõ rệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cho các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ chuyển gien đối với cây trồng: cây bông, ngô, đậu tương. Bộ Công thương tập trung vào lĩnh vực nhiên liệu sinh học, hóa dược, công nghệ khai khoáng, công nghệ bức xạ. Bộ Giao thông vận tải chú ý giải quyết những bài toán về an toàn giao thông, phòng, chống sụt trượt và kiên cố hóa các công trình giao thông. Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh đi theo hướng nghiên cứu tế bào gốc, na-nô, vi mạch. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc bước đầu rất có hiệu quả trong chữa trị các bệnh mà trước đây y học trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Đó là các bệnh về tổn thương giác mạc, vết thương lâu liền do tai nạn, tiểu đường, bỏng, bệnh vô sinh, bệnh về máu… Nhóm nghiên cứu cảm biến na-nô sinh học (Phòng thí nghiệm công nghệ na-nô-ĐHQG TP Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu thành công các loại vật liệu và linh kiện na-nô dựa trên cấu trúc sợi na-nô (nanơwire) và kênh dẫn chất lỏng na-nô, biến sợi na-nô-platin ứng dụng trong chẩn đoán bệnh tiểu đường, cấu trúc sợi na-nô silicon dùng để phát hiện nhanh các prô-tê-in, ADN, các chỉ thị sinh học chuyên dụng, ứng dụng trong chẩn đoán sớm các bệnh hiểm nghèo.
Những năm gần đây nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp ở các địa phương về vai trò, vị trí của KH và CN trong phát triển KT – XH được nâng lên rõ rệt, do đó đã có sự chỉ đạo sát sao các hoạt động KH và CN nhằm mục đích để KH và CN trở thành động lực trực tiếp phát triển KT – XH ở địa phương.
TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua kiên trì thực hiện việc xác định nhiệm vụ KH và CN theo đặt hàng của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, giao quyền chủ động cho Sở KH và CN quyết định nhiệm vụ KH và CN cần thiết. TP Hải Phòng, tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Phúc đưa ra giải pháp hỗ trợ 30% nguồn kinh phí của các nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các doanh nghiệp. Theo chúng tôi đây là những hướng đi mới trong việc triển khai đổi mới cơ chế, phương thức quản lý và thực hiện các nhiệm vụ KH và CN tại địa phương, cần được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu nhân rộng.
Triển khai các chương trình trong năm 2011 và giai đoạn 2011 – 2015
Năm 2011 là năm ngành KH và CN tổ chức các hoạt động theo định hướng mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra liên quan hoạt động KH và CN; triển khai các chương trình đề tài trong giai đoạn 2011-2015; nhân rộng kết quả nghiên cứu của các chương trình đề tài đã thực hiện trong giai đoạn 2006-2010.
Các đơn vị có thẩm quyền cần tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ hình thành, phát triển các nhóm, tập thể KH và CN mạnh. Đánh giá, tuyển chọn các viện nghiên cứu, trường đại học ở một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm, một số ngành khoa học có thế mạnh của Việt Nam để tập trung đầu tư phát triển với mục tiêu được xếp hạng tương đương các viện, trường mạnh, có uy tín trong khu vực. Năm 2011 là năm triển khai công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH và CN giai đoạn 2006 -2010. Hoàn thành và triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển sản phẩm trọng điểm quốc gia. Tập trung hỗ trợ, tài trợ để khuyến khích nhập khẩu công nghệ tiên tiến, giải mã, làm chủ và bản địa hóa công nghệ nhập; liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm.
Phát triển và xã hội hóa mạnh các hoạt động dịch vụ KH và CN, nhất là các dịch vụ thông tin, tư vấn; môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng. Thúc đẩy sự phát triển các loại hình chợ công nghệ và thiết bị, các sàn giao dịch điện tử; hình thành các trung tâm giao dịch công nghệ tại các vùng kinh tế lớn.
Tăng cường tiềm lực cho nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển KT-XH; phát triển và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cần thiết cho xây dựng và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020. Tham gia xây dựng các văn bản pháp luật liên quan điện hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt chủ động và tích cực chuẩn bị đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý trình độ cao phục vụ phát triển điện hạt nhân.
Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã thiết kế, chế tạo thành công cầu trục gian máy với sức nâng 1.200 tấn, tỷ lệ nội địa hóa 90%. Đây là sản phẩm cầu trục gian máy lớn nhất Việt Nam, do các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo. Cầu trục gian máy này đã được sử dụng có hiệu quả tại Công trình thủy điện Sơn La làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Đây là thí dụ sinh động chứng minh hoạt động KH và CN đã và đang trưởng thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()