Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển KT-XH
Thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và nhiều đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, nhìn lại 5 năm qua, khi bước vào đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII, triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp khó khăn; việc quản lý tài chính kinh tế vĩ mô căng thẳng, lạm phát tăng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp… Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, QH tăng cường hoạt động giám sát việc triển khai thực hiện, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kinh tế đất nước có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài…
Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn và cho rằng, trên cơ sở môi trường xã hội ổn định, Việt Nam có thể tiến nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa nhưng lại chưa tận dụng hết, vấn đề nằm ở chỗ thể chế, cải cách hành chính chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế, vẫn còn có những thủ tục làm khó cho doanh nghiệp. Còn lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường còn bất cập; cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, gây lãng phí tiền của; hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ở các cấp, nhất là tổ chức thực hiện còn hạn chế, cho nên chưa phát huy tiềm năng, lợi thế của các ngành, địa phương. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là một trong ba nội dung quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế, song triển khai chậm.
Thực tế cho thấy, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn yếu; sản phẩm công nghiệp còn nhập khẩu nhiều, chưa có sản phẩm căn cơ, sản xuất các sản phẩm còn manh mún, chưa có sản phẩm xuất khẩu. Chẳng hạn, hiện nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, nhưng lại chưa có thương hiệu gạo Việt Nam; xuất khẩu hồ tiêu, điều, cà-phê đều là xuất khẩu thô. Tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, việc quản lý giá cả thị trường chưa bảo đảm…
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, các cảng biển đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp, tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp nhà nước làm kinh tế nên tách hoạt động quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh tế; nếu không hai hoạt động này sẽ còn tồn tại cơ chế “xin-cho”; cần đối xử công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Một số đại biểu đề nghị chuyển nền hành chính bao cấp, quan liêu, ban phát sang nền hành chính phục vụ. Cần sớm nghiên cứu cải cách tích cực triệt để hơn nữa cơ chế tiền lương. Đồng thời, đánh giá đúng sự phát triển của các thành phần kinh tế, trên cơ sở đó đề ra quy hoạch phát triển hợp lý, quan tâm ưu tiên phát triển khoa học công nghệ ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nhiều đại biểu QH cho ý kiến về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020. Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) và một số đại biểu, về quy hoạch sử dụng đất, đất trồng lúa giữ nguyên chỉ tiêu QH đã phê duyệt hơn 3,8 triệu ha, vì Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, không nên giảm diện tích lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Cần đánh giá lại tác động của biến đổi khí hậu, các điều kiện về trồng lúa, đánh giá tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Đây là vấn đề an ninh lương thực của quốc gia, cho nên Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp căn cơ lâu dài hơn để xử lý. Về vấn đề đất rừng phòng hộ được đề nghị giảm hơn một triệu ha so với Nghị quyết của QH, các đại biểu đề nghị phải xác định nước ta cần bao nhiêu diện tích, khu vực cần giữ để phòng, chống thiên tai, đánh giá chất lượng rừng, không lấy đất rừng làm thủy điện; nơi đã lấy đất rừng kể cả để khai khoáng phải trồng lại rừng và có kiểm soát, đặc biệt quan tâm rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn xung yếu…
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), một số ý kiến đại biểu QH đồng tình với quan điểm của ban soạn thảo về việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin, theo đó không chỉ có cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân là trách nhiệm của Nhà nước. Hầu hết thông tin mà người dân quan tâm là các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình. Các thông tin này cơ bản đều do các cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nắm giữ, kể cả cơ quan ở T.Ư, bộ, ngành và cấp cơ sở. Dự thảo luật quy định cơ quan nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là phù hợp.
Về chủ thể có quyền tiếp cận thông tin, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị dự thảo luật không nên giới hạn chỉ công dân mới có quyền tiếp cận thông tin mà cần mở rộng hơn chủ thể có quyền tiếp cận thông tin, bao gồm cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài ở nước ngoài, người chưa có quốc tịch… để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân đã được quy định tại Điều 25 của Hiến pháp, bảo đảm quyền con người. Về nội dung này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, quy định về quyền, trách nhiệm của người nước ngoài khi tiếp cận thông tin, cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi cung cấp thông tin cho người nước ngoài vẫn chưa được đề cập trong dự thảo luật. Như vậy, khi xảy ra tranh chấp về quyền, nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm giữa người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, hay đơn vị cung cấp thông tin thì sẽ không có quy phạm nào điều chỉnh. Do đó, đề nghị bổ sung các quy định cụ thể điều chỉnh về người nước ngoài tiếp cận thông tin vào các Chương I, II, IV của dự thảo luật.
Chung quanh một số ý kiến trong quá trình xây dựng luật đề nghị bổ sung quy định việc tiếp cận thông tin của các đối tượng là người bị tạm giam, tạm giữ, vì họ chưa mất quyền công dân, Ủy ban TVQH nhận thấy, việc tiếp cận thông tin của đối tượng này đang được quy định trong các luật chuyên ngành, nhất là các văn bản quy định pháp luật về tố tụng; đối với những thông tin không bị pháp luật chuyên ngành hạn chế (không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng…) thì đương nhiên các đối tượng này không bị hạn chế tiếp cận.
Một số đại biểu đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật loại thông tin công dân được tiếp cận; loại thông tin công dân không được tiếp cận và loại thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện. Về thông tin không được tiếp cận, quy định tại Khoản 2, Điều 6 trong dự thảo luật quy định: Thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền, nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống và tài sản người khác… Một số đại biểu đề nghị quy định rõ hơn loại thông tin thuộc bí mật nhà nước trong dự thảo luật. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ khi được giải mật thì thông tin thuộc bí mật nhà nước sẽ được tiếp cận theo phương thức nào: theo phương thức tự do tiếp cận hay là tiếp cận theo yêu cầu. Theo đại biểu, việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước sau khi được giải mật cần được thực hiện theo quy định của luật này về cung cấp thông tin theo yêu cầu công khai thông tin.
Dự thảo luật quy định UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ. Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) và một số đại biểu nêu, để bảo đảm tính khả thi, cần có cơ chế để nâng cao năng lực, điều kiện cơ sở vật chất cho cấp xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có hình thức tổ chức, bố trí thực hiện việc tiếp cận thông tin cho người dân cấp xã phù hợp điều kiện của chính quyền cấp xã…
Một trong những lý do hạn chế tốc độ cải cách hành chính là do cơ quan chính quyền các cấp chưa thật sự coi sự hài lòng của người dân là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả phục vụ. Nếu nói làm tốt mà dân hài lòng là đúng, còn nói tốt mà dân chưa hài lòng có nghĩa là bộ máy công quyền làm việc chưa tốt. Trong cải cách hành chính, nếu không quan tâm, đo lường sự hài lòng của dân, chúng ta sẽ bị chậm tiến độ đổi mới. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) Quy định về chủ thể cung cấp thông tin như hiện nay là chặt chẽ. Nếu muốn mở rộng chủ thể thì phải mở rộng phạm vi điều chỉnh về cung cấp thông tin của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Luật Tiếp cận thông tin (sửa đổi) đã quy định rất rõ thông tin nào được phép tiếp cận, ai là người có trách nhiệm cung cấp thông tin… Nhưng về thông tin mật lại chưa hoàn toàn rõ ràng. Chúng ta mới chỉ có pháp lệnh, chưa có luật bí mật thông tin. Do đó vẫn còn những câu hỏi như bao nhiêu lâu thì thông tin giải mật để có thể tiếp cận? Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) Theo tôi, chúng ta không nên quy định hoặc đặt vấn đề tiếp cận thông tin như một loại dịch vụ. Vì đây là một trong những quyền và trách nhiệm của công dân. Nếu coi đó là dịch vụ, chúng ta sẽ không quản lý được những thông tin mà công dân có được trong quá trình khai thác. Để tạo điều kiện cho người dân được quyền tiếp cận, khai thác các loại thông tin, hạn chế sự sách nhiễu hoặc cố tình không cho công dân tiếp cận thông tin, phải quy định rõ những loại văn bản công dân không được tiếp cận trong luật. Văn bản nào không cấm thì công dân được quyền tiếp cận. Đại biểu Nguyễn Thái Học |
Ý kiến ()