Triển khai điều trị bằng Methadone: Đẩy nhanh tiến độ, thận trọng trong các bước thực hiện
LSO – Trong những ngày cuối năm 2013, mỗi bước tiến trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các nguồn lực khác trong việc thành lập cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2013-2015 đang thu hút sự quan tâm của nhiều người…
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc kiểm tra thuốc ARV để cấp cho bệnh nhân HIV
Trong những năm 2010-2011, nhiều đoàn công tác của Sở Y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các cơ sở điều trị ở Hải Phòng, Thanh Hóa… và đã rút ra được những vấn đề bổ ích cho công tác chuẩn bị và thực hiện. Ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết, không thể chủ quan với các bước thực hiện, vì vậy việc học hỏi kinh nghiệm được các cán bộ của Trung tâm quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, như công tác tổ chức, xét duyệt đối tượng, phân công bố trí nhân viên làm việc và có dự phòng nhân lực, công tác bảo vệ… Học hỏi kinh nghiệm và vận dụng tốt Nghị định 96/2012 của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Kế hoạch của UBND tỉnh, nên các bước thực hiện đỡ lúng túng hơn. Với mục đích thực hiện điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone nhằm giảm hại do nghiện các chất dạng thuốc phiện gây lây nhiễm HIV, giảm hoạt động tội phạm và tỷ lệ tử vong; cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người nghiện, từng bước giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Theo Kế hoạch số 89/KH-UBND, ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2013-2014, Lạng Sơn sẽ thành lập 1 cơ sở điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS với công suất 250 bệnh nhân, thành lập điểm cấp phát thuốc tại trạm xá phường Đông Kinh và Trung tâm Y tế Cao Lộc với công suất mỗi điểm 100 bệnh nhân. Đến năm 2015 thành lập thêm cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng với công suất 250 bệnh nhân. Lợi ích của việc điều trị bằng Methadone là người bệnh dừng hẳn hoặc giảm đáng kể việc sử dụng hêrôin, do dừng hoặc giảm sử dụng hêroin nên đã giảm việc sử dụng bơm kim tiêm, nhất là việc dùng chung bơm kim tiêm và như vậy giảm nguy cơ lây nhiễm HIV; cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng cho người bệnh. Do có thuốc thay thế, không phải tìm mọi cách để có tiền mua ma túy, nên dừng hẳn việc vi phạm pháp luật của người nghiện, cải thiện và ổn định các mối quan hệ gia đình, xã hội… Vì vậy việc triển khai điều trị bằng Methadone là luôn là sự mong đợi của những người nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện và gia đình họ. Tuy vậy, không phải bất cứ người nghiện nào cũng được tham gia điều trị. Vì Methadone chỉ có tác dụng đối với những người nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện (không có tác dụng đối với những người nghiện các dạng khác như ma túy tổng hợp, ma túy đá, thuốc lắc…). Cũng chống chỉ định với những người dị ứng với Methadone và các tá dược của nó, bệnh gan nặng, bệnh gan mất bù; suy hô hấp nặng, hen mạn tính, chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ, viêm loét đại tràng, co thắt đường tiết niệu và đường mật , rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm; đang điều trị bằng thuốc đồng vận… Công tác điều trị phải chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn dò liều (khoảng 2 tuần); giai đoạn điều chỉnh liều ( kéo dài từ 1-3 tháng) và giai đoạn điều trị duy trì. Tuy vậy, theo thống kê của cơ quan chức năng, với trên 1.400 người nghiện có nơi ở rõ ràng trên địa bàn, đa số đối tượng có sử dụng Nôvocain để pha Hêroin, nên giai đoạn dò liều phải lâu hơn, phức tạp hơn mới xác định được lượng Methadone “cần và đủ” cho mỗi bệnh nhân.
Về thực chất, điều trị bằng Methadone là thay thế chất gây nghiện này bằng một chất gây nghiện khác có kiểm soát, đây là loại ma túy hợp pháp và rẻ tiền. Theo tính toán, nếu 1 người sử dụng Herôin với mức độ 3-4 “cữ”/ ngày thì họ phải tốn từ 80-100 triệu/ năm, nhưng điều trị bằng Methadone thì chỉ tốn khoảng 8,4 triệu/ bệnh nhân/ năm. Trước mắt, bệnh nhân được cấp thuốc miễn phí, song trong tương lai gần, công tác xã hội hóa sẽ được áp dụng, nhưng số tiền mà bệnh nhân đóng góp cũng không quá lớn.
Thống kê của 20 tỉnh và thành phố đã lập cơ sở điều trị với tổng số 13.838 bệnh nhân cho thấy hiệu quả về phòng chống lây nhiễm HIV là rất rõ ràng. Ngoài ra các hiệu quả về kinh tế, an ninh trật tự thì có thể thấy rõ ngay từ khi cơ sở bước vào hoạt động. Để triển khai đúng tiến độ, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn đã mua sắm trang thiết bị, cử cán bộ đi tập huấn. Mỗi bước tiến trong việc xúc tiến thành lập đều thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và từng bước mang đến cho người nghiện và gia đình của họ.
Bài, ảnh: Minh Hồng
Ý kiến ()