Chiều 28-9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ kinh phí sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao của T.Ư và các tỉnh, thành phố năm 2010 và Đề án giai đoạn 2011-2015, với sự tham dự của 300 đại biểu đại diện các Liên chi hội, các Hội nhà báo ở khắp mọi miền đất nước. Đến dự, có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đồng chí Phó Chủ tịch hội, chủ trì hội nghị.
Báo cáo về việc thực hiện Đề án hỗ trợ kinh phí sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao ở T.Ư và các tỉnh, thành phố năm 2010 của Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm nay, ngoài kinh phí hỗ trợ thường niên, các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc T.Ư và các Hội Nhà báo địa phương được hỗ trợ kinh phí bổ sung 10 tỷ đồng. Tổng số kinh phí các cấp Hội Nhà báo được cấp trong năm 2010 là gần 17 tỷ đồng. Ngay từ giữa năm 2010, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng xét duyệt nghiệm thu tác phẩm báo chí chất lượng cao của T.Ư và các tỉnh, thành phố đã họp, xem xét, tổng kết rút kinh nghiệm công tác này trong năm trước và ban hành hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở T.Ư và địa phương năm 2010.
Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao ở T.Ư và địa phương, giai đoạn 2011-2015, gồm ba phần chính: Tổng kết, đánh giá công tác hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, giai đoạn 2006-2010; Quan điểm, định hướng, mục tiêu hỗ trợ năm 2011-2015; Các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, giai đoạn 2011-2015.
Trong năm 2010, Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý các cấp Hội phải dành ít nhất 20% kinh phí được phân bổ để hỗ trợ hội viên ở đơn vị mình đi sâu vào cuộc vận động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2011 – 2015, để nâng cao hơn nữa chất lượng các tác phẩm báo chí, các tác phẩm được hỗ trợ kinh phí phải có tính phát hiện, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới; phản ánh trung thực những diễn biến, các sự kiện của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội. Các tác phẩm có thể tập trung phản ánh những đề tài lịch sử, các thời kỳ kháng chiến cứu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội hiện đại, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về thiếu nhi, dân tộc thiểu số, vấn đề môi trường…
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội các cơ quan báo chí: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ, tỉnh Gia Lai, Chi hội nhà báo Báo Nông nghiệp Việt Nam… khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của Đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao ở T.Ư và địa phương. Nguồn kinh phí của Đề án tuy không lớn nhưng đã góp phần quan trọng giúp tổ chức Hội Nhà báo ở cơ sở phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động…
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ, Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ kinh phí sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao của T.Ư và các tỉnh, thành phố năm 2010 và Đề án giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Hội nghị thống nhất khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đối với báo chí nói chung, đặc biệt là lĩnh vực sáng tạo những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, nhu cầu thông tin của công chúng, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nguồn kinh phí của Đề án tuy chưa nhiều nhưng rất quan trọng, có tác dụng tích cực trong việc động viên, cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm báo bám sát thực tế cuộc sống, đi sâu vào những đề tài báo chí nóng hổi, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, ngày càng cao của nhân dân và bảo đảm tốt định hướng tuyên truyền. Trong bốn năm qua, với hơn 9.000 tác phẩm báo chí đạt chất lượng được tài trợ, hỗ trợ đã chứng tỏ tính thiết thực của Đề án. Đây là nguồn kinh phí quan trọng đối với tất cả các cơ quan báo chí trong cả nước.
Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Về cơ bản, việc phân bổ nguồn kinh phí được tiến hành khách quan, công bằng, minh bạch và đến trực tiếp, tận tay những người làm báo. Đối với thủ tục triển khai Đề án, các cấp Hội Nhà báo đã tiến hành các bước phân bổ, xét duyệt, thanh quyết toán đều được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chưa xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Hội Nhà báo Việt Nam cương quyết chỉ đạo việc phân bổ phải được công khai, minh bạch, không để tồn tại cơ chế “xin-cho”. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân bổ kinh phí của Đề án từ cơ quan T.Ư Hội đến các cơ sở Hội Nhà báo.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn sự rườm rà về thủ tục, chưa đáp ứng được tốt nhiệm vụ bám sát thực tế nóng bỏng của cuộc sống. Có nơi thủ tục thiếu chặt chẽ, có nơi chia đều số kinh phí được hỗ trợ cho các hội viên… Những khuyết điểm đó làm cho việc hỗ trợ kinh phí để sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao chưa phát huy hết tác dụng.
Từ ý kiến và nguyện vọng của các cơ sở Hội Nhà báo trong cả nước, thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Chủ tịch Hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện, cơ chế để Hội Nhà báo tiếp tục triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ kinh phí sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao của T.Ư và các tỉnh, thành phố với mức đầu tư cao hơn cùng những quy định chặt chẽ hơn. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam sớm bổ sung Thông tư 17, góp phần để các thủ tục được đơn giản hóa, thuận tiện, minh bạch việc hỗ trợ kinh phí sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Ý kiến ()