Triển khai chính sách tín dụng phát triển thủy sản
Chiều ngày 24/7/2014, tại Quảng Ngãi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai chính sách tín dụng quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ trong toàn ngành ngân hàng.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Tham dự Hội nghị triển khai chương trình tín dụng của ngành ngân hàng còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo 02 Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo của 05 tỉnh, thành phố miền Trung có truyền thống khai thác hải sản xa bờ (Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên) và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 11 tỉnh Duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận). Tham gia hội nghị còn có các NHTM lớn Việt Nam như BIDV, Agribank…là những đơn vị chủ lực cung ứng tín dụng ưu đãi theo chương trình mục tiêu của Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Việt Nam có bờ biển trải dài 3.260km. Ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chúng ta có khoảng hơn 2.500 hòn đảo lớn, nhỏ gần và xa bờ tạo thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển. Dọc bờ biển và trên biển Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố với 100 cảng biển, gần 1.000 bến cá… Đây thực sự là những tiềm năng rất lớn cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển nói chung và thủy hải sản nói riêng. Khai thác tiềm năng, thế mạnh góp phần nâng cao đời sống ngư dân gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ ngư dân căn cứ vào Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ về Chiến lược phát triển biển Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ của Chính phủ vừa qua liên tục được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, đạt được mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị đại diện NHNN cho biết, ngành Ngân hàng cũng rất tích cực trong việc triển khai các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngư dân. Tuy nhiên, việc cho vay phục vụ đánh bắt xa bờ thời gian qua đạt kết quả chưa cao do hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ thời gian qua còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, đặc điểm của đánh bắt xa bờ luôn tiểm ẩn nhiều rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, bị tàu nước ngoài bắt giữ,…trong khi đó lại thiếu cơ chế cho vay, xử lý rủi ro đặc thù và công tác bảo hiểm cho con tàu chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Bên cạnh đó, hiện nay số lượng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên có thể đánh bắt xa bờ chỉ có khoảng 28.248 chiếc, chiếm 24,5% tổng số tàu cá, số còn lại chủ yếu là những tàu nhỏ đánh bắt gần bờ và một số ngư trường gần bờ đã bị khai thác quá mức. Ngoài ra, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân chủ yếu vẫn đơn lẻ, chưa thực sự hình thành các tổ đội sản xuất hỗ trợ nhau trên biển; giá trị đầu ra cho ngư dân chưa được đảm bảo. Những khó khăn trên làm giảm hiệu quả đầu tư tín dụng, tạo tâm lý e dè đối với các tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay lĩnh vực này.
Nhằm khắc phục những tồn tại trên, giúp ngư dân xây dựng đội tàu đánh bắt hiện đại đủ sức vươn xa bám biển, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực thi hành ngày 25/8/2014. Nghị định của Chính phủ tập trung vào các chính sách hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ, như: chính sách tín dụng phục vụ đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần có công suất lớn, trong đó có cho vay để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ đánh bắt, bảo quản,…cho vay vốn lưu động để trang trải các chi phí cho chuyến đi biển đánh bắt; chính sách đầu tư cảng cá, chính sách về bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và nhiều chính sách khác đối với tàu và thuyền viên tham gia khai thác hải sản xa bờ,… Có thể nói đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị định với các chính sách khá toàn diện nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.
Ngay sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn việc thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản quy định tại Nghị định để xin ý kiến các Bộ ngành, các ngân hàng thương mại và tổ chức Hội nghị triển khai trong toàn ngành. Các ngân hàng thương mại cũng cam kết dành nguồn vốn để cho vay đối với ngư dân, đồng thời hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống để có thể triển khai cho vay ngay khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực.
Để chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP được triển khai có hiệu quả, ngoài sự cố gắng của ngành Ngân hàng cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ ngành, địa phương có liên quan. Nguồn vốn cho vay của ngân hàng chỉ có thể giải ngân được khi các Bộ ngành công bố các yêu cầu kỹ thuật đối với con tàu đánh bắt xa bờ, phê duyệt mẫu thiết kế tàu, ban hành chính sách bảo hiểm, đồng thời UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách các chủ tài có kinh nghiệm về đánh bắt xa bờ tham gia chương trình.
Cũng trong Hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước đã lắng nghe ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng của ngư dân và các đơn vị có liên quan trong triển khai chính sách tín dụng quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP và có giải đáp thỏa đáng đối với những vướng mắc, kiến nghị của người dân và các đơn vị có liên quan tham gia triển khai chương trình này.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong việc đóng mới, nâng cấp tàu và cho vay vốn lưu động đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ. Cụ thể, chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu (bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa), tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính. Thời hạn vay là 11 năm, riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp; tài sản bảo đảm là chính con tàu được đóng bằng vốn vay. Ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1- 3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu từ 4 – 6%/năm tùy thuộc loại tàu và công suất máy. Chủ tàu được vay vốn lưu động lên tới 70% chi phí cho chuyến đi biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển; mức lãi suất cho vay trong năm đầu tiên là 7%/năm. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()