Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"
Ngày 26-10, tại Hà Nội, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, triển khai Chỉ thị số 48-CT/T.Ư ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới". Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Lê Hồng Anh, Bí thư Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; các ban Đảng Trung ương; Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy, các Đảng ủy trực thuộc Trung ương; Trưởng ban Tuyên giáo và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố.Tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đã giới thiệu và quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị, nêu rõ: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức quần chúng và nhân dân đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Do đó, tội phạm từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm có xu...
Tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đã giới thiệu và quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị, nêu rõ: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức quần chúng và nhân dân đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Do đó, tội phạm từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm có xu hướng giảm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tình hình tội phạm sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, dễ bị các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng, kích động làm mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự vững mạnh của chế độ ta. Do đó, công tác phòng, chống tội phạm cần chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Công tác phòng, chống tội phạm phải đạt mục đích kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm mới; tạo môi trường lành mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân.
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh những yêu cầu đề ra của Chỉ thị: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tội phạm. Tập trung điều tra, khám phá, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, nhất là tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức, tội phạm về ma túy… Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm của các cơ quan chuyên môn; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng với các cơ quan khác, các tổ chức quần chúng trong phòng, chống tội phạm.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, thay mặt Đảng ủy Công an T.Ư phổ biến Kế hoạch và triển khai thực hiện nội dung yêu cầu của Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ đã báo cáo tổng quan về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và tình hình tội phạm hiện nay, nêu rõ hiệu quả, bài học kinh nghiệm của công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trong 12 năm qua.
Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận, làm rõ những nội dung, yêu cầu, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị nêu trên.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chỉ thị của Bộ Chính trị 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới' là tiếp tục tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng qua các thời kỳ, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trước mắt cũng như lâu dài.
Đồng chí chỉ rõ: Tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia ngày càng công khai, trắng trợn và chống phá quyết liệt. Nổi lên là hoạt động 'diễn biến hòa bình', tác động, chuyển hóa, kích động bạo loạn lật đổ. Đáng chú ý, gần đây, các đối tượng phản động đã lợi dụng hoạt động của tội phạm hình sự để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Một số loại tội phạm mới đã xuất hiện. Tội phạm do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao. Đáng lưu ý là tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên diễn biến ngày càng nghiêm trọng…
Sau khi chỉ rõ nguyên nhân, bài học của tình hình trên, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu: Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với công tác phòng, chống tội phạm. Các cấp, các ngành phải nhận thức, đánh giá một cách nghiêm túc tình hình tội phạm và trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm ở đơn vị, địa phương. Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tập trung tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và nêu gương của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm; biểu dương khen thưởng kịp thời người có thành tích trong phòng, chống tội phạm. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Đặt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, đơn vị.
Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm đang diễn biến phức tạp. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; tăng cường kinh phí, trang bị phương tiện, biên chế và thành lập Quỹ Phòng, chống tội phạm, nâng cao năng lực lực lượng trực tiếp phòng, chống tội phạm. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, toàn diện; chăm lo đào tạo bồi dưỡng có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc' được phát động sâu rộng, kết hợp chặt chẽ công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm; tranh thủ các nguồn tài trợ để nâng cao năng lực cho các lực lượng nhằm đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm có tính quốc tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, đánh giá tình hình phòng, chống tội phạm thời gian qua và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai quyết liệt Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, tạo chuyển biến trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Quốc hội khóa XIII, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()