Triển khai các giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Năm 2013 khép lại với nhiều sự kiện giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) thu hút sự chú ý quan tâm của toàn xã hội. Bên cạnh niềm vui về những chủ trương, thành tựu nổi bật vẫn còn những vấn đề, sự kiện để lại những băn khoăn, trăn trở đòi hỏi sự cố gắng của toàn ngành cũng như sự chung tay góp sức của xã hội nhằm thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Năm 2013 đặt dấu mốc quan trọng với ngành GD và ÐT khi Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) thông qua Nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết xác định mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”. Ngoài ra, Nghị quyết đưa ra chín nhiệm vụ, giải pháp trong đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Cùng Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI), năm 2013, Luật Giáo dục đại học (ÐH) chính thức có hiệu lực là những chủ trương, chính sách pháp luật tạo cơ sở thiết thực trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng GD và ÐT nước nhà.
Trước những dấu mốc trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện năm qua, ngành GD và ÐT tiếp tục chú trọng đổi mới quản lý giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục tự chủ và chịu trách nhiệm trong các hoạt động của mình trên cơ sở hệ thống các văn bản pháp quy. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung giải quyết một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội đã tồn tại khá lâu như: Dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu trong các cơ sở giáo dục; sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo… Ðội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều địa phương đã quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn. Việc tăng cường chỉ đạo đổi mới quản lý hoạt động chuyên môn trong nhà trường, nhất là đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn nhằm đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học được chú trọng. Chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục “vùng trũng” được nâng lên, chất lượng giáo dục “đỉnh cao” tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Ðối với giáo dục ÐH, đã có sự điều chỉnh nhất định khi kỳ tuyển sinh năm 2013 những ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kế toán không còn hấp dẫn như những năm trước; trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành công nghệ, kỹ thuật có chiều hướng tăng. Cả nước có 348 trường đại học, cao đẳng hoàn thành báo cáo tự đánh giá chất lượng. Mặt khác, Bộ GD và ÐT triển khai việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nhằm thực hiện Luật Giáo dục ÐH và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) nhằm từng bước tạo đột phá, mở đầu trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Ðã có sự thay đổi trong nhận thức, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong phối hợp giải quyết các vấn đề của ngành, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin và sức mạnh của đội ngũ những người làm giáo dục và của xã hội trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT.
Một trong những kết quả đáng chú ý của năm 2013 chính là các đội tuyển quốc gia dự thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế đã có sự tiến bộ vượt bậc so với những năm trước khi toàn bộ số học sinh tham dự đều đoạt giải. Trong đó, có 33 lượt học sinh đoạt huy chương (gồm chín Huy chương vàng, 11 Huy chương bạc, 13 Huy chương đồng) và ba học sinh được nhận bằng khen. Ðáng chú ý, đội tuyển Ô-lim-pích quốc tế môn Toán học đã vươn lên xếp thứ 7 trong số 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tăng hai bậc so với năm 2012. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục đạt thành tích cao trong số các nước tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật quốc tế.
Cùng với kết quả dự thi quốc tế, năm 2013, cũng đánh dấu những thành tựu đáng kể về chất lượng giáo dục khi “Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) thực hiện được công bố. Thành tích của Ðoàn Việt Nam khá cao trong bảng xếp hạng so các nước trên thế giới tham gia kỳ thi PISA 2012, đứng trong top 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm 500. Ðiều đó khẳng định sự quan tâm thường xuyên của Ðảng, Nhà nước, sự chăm lo của các gia đình, các nhà trường và học sinh đã phát huy được truyền thống hiếu học của dân tộc, không chỉ đạt thành tựu về phát triển quy mô, số lượng mà còn đạt được chất lượng giáo dục phổ thông cơ bản thuộc tốp cao của thế giới.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, tạo đà cho quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nhưng GD và ÐT năm 2013 vẫn còn một số bất cập khi chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hệ thống thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức GD và ÐT, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Việc dạy trước chương trình lớp 1, tình trạng lạm thu, dạy thêm sai quy định, nhất là ở các khu đô thị, thành phố lớn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn xảy ra gây bức xúc trong xã hội đặt ra những vấn đề bất cập trong đào tạo đội ngũ nuôi dạy trẻ; xây dựng mạng lưới các trường mầm non…
Việc phân cấp quản lý còn có những hạn chế, những sai sót, vi phạm các quy định chậm được xử lý; tình trạng làm sai quy định ở một số trường trong tuyển sinh, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu… Công tác cho phép mở ngành đào tạo chưa được làm tốt ở một số cơ sở đào tạo mở ngành chưa chú ý đến nhu cầu nhân lực hoặc buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát các điều kiện chất lượng đào tạo. Việc ban hành các cơ chế chính sách cũng còn nhiều bất cập. Ðiển hình là vụ việc ngay trước kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2013, Bộ GD và ÐT đã ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BGDÐT bổ sung: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vào nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên khi dự thi ÐH, CÐ. Việc ban hành quy định trên gây nhiều bức xúc về tính thực tiễn của chính sách, cho nên chỉ 12 ngày sau đó, Bộ GD và ÐT đã ban hành Thông tư 28/2013/TT-BGDÐT, bãi bỏ diện ưu tiên này.
Bước sang năm 2014, để thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện, ngành GD và ÐT cần tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; các trường được chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy trên cơ sở bảo đảm mục tiêu chương trình giáo dục và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, chú trọng việc xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nội dung dạy và học ngoài việc phát triển con người cho xã hội, sẽ chú trọng thêm phần phát huy cao nhất tiềm năng sẵn có của riêng mỗi người, đó là con người cá nhân. Chuyển từ “học được cái gì” sang quan tâm học thì phải “làm được cái gì”. Ðổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh. Thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo ở cấp độ quốc gia, địa phương, từng cơ sở giáo dục, đào tạo và đánh giá theo chương trình của quốc tế để làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo. Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương; đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn bảo đảm khách quan, công bằng. Ngoài ra, Bộ GD và ÐT chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng GD và ÐT đối với các cơ sở ngoài công lập, các cơ sở có yếu tố nước ngoài. Xây dựng phương thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với các loại hình giáo dục cộng đồng. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ÐH gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Ðẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau trung học phổ thông, liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ÐH.
Ðáng chú ý, việc phân cấp tăng quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục được triển khai rộng rãi cần gắn với việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các sai phạm về dạy thêm, học thêm, quản lý giáo dục ngoài công lập, về việc thành lập và bảo đảm chất lượng giáo dục ÐH; việc thực hiện quy định pháp luật về liên kết đào tạo, tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng như các điều kiện mở ngành, cấp phát văn bằng. Thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục ÐH đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và nhân dân nhằm từng bước hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT.
Ý kiến ()