Triển khai bảo hiểm nông nghiệp sau bão số 8
Nông dân huyện Tiền Hải, Thái Bình bị thiệt hại nặng do bão số 8. Ngay sau khi cơn bão số 8 vừa tan, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức các đoàn công tác của Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) Trung ương tỏa về các tỉnh thực hiện BHNN có cơn bão đi qua để phối hợp nhanh chóng thực hiện các thủ tục bồi thường BHNN, góp phần giúp nông dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.Theo thống kê chưa đầy đủ, cơn bão số 8 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua đã khiến Thái Bình thiệt hại hơn 2.600 tỷ đồng trong tổng số hơn 7.500 tỷ đồng thiệt hại ước tính của cả nước. Trong đó, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là diện tích trồng lúa) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thiệt hại. Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, ba huyện triển khai thí điểm BHNN là Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư đều bị thiệt hại nặng nề, trong đó huyện...
Nông dân huyện Tiền Hải, Thái Bình bị thiệt hại nặng do bão số 8. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, cơn bão số 8 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua đã khiến Thái Bình thiệt hại hơn 2.600 tỷ đồng trong tổng số hơn 7.500 tỷ đồng thiệt hại ước tính của cả nước. Trong đó, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là diện tích trồng lúa) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thiệt hại. Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, ba huyện triển khai thí điểm BHNN là Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư đều bị thiệt hại nặng nề, trong đó huyện Tiền Hải bị thiệt hại nặng nhất với 3.600 ha; huyện Thái Thụy với 150 ha; huyện Vũ Thư 300 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải Ngô Xuân Chiến cho biết: 85% diện tích này là lúa đã chín nhưng chưa kịp thu hoạch nên bị rụng hạt và nảy mầm trên bông. Huyện Tiền Hải có 5.000 hộ nghèo của 34 xã, với diện tích 782,66 ha thuộc diện BHNN gần như mất trắng.
Tại gia đình ông Phan Đình Phương, xóm 2, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, tuy đã gần 12 giờ trưa nhưng chúng tôi vẫn thấy hai vợ chồng ông ra sức cào lúa đã đập cho kịp nắng. Giữa khoảng sân chừng 30 m2 là đống lúa ướt khoảng 70 kg loang lổ mầu vàng đất – mầu của lúa bị úng nước. Nhìn vốc lúa trên tay, ông Phương nghẹn ngào nói: “Mất hết rồi các anh chị ạ! Nhà tôi thuộc dạng hộ rất nghèo, có 8 sào lúa thì nay mất trắng, giờ chỉ còn vớt vát được chừng này, mà cũng mọc mầm hết cả. Thiệt hại quá nặng nề”.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp xã Vĩnh Tiến, huyện Tiền Hải, thiệt hại do cơn bão gây ra cho nông dân ở đây là vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, điều may mắn là trước đó, nhiều hộ nông dân nghèo và cận nghèo đã tham gia mua BHNN, nên trong hoàn cảnh khó khăn, bà con đang trông ngóng sớm được nhận tiền đền bù. “Thực tế là chúng tôi đã rất vất vả khi cùng với doanh nghiệp bảo hiểm vận động bà con tham gia BHNN, nhưng nhiều người vẫn không tin tưởng là sẽ được đền bù. Do đó, nếu việc đền bù được tiến hành nhanh và đúng thì sẽ khẳng định được niềm tin của người nông dân, từ đó mới dễ vận động nông dân tham gia BHNN trong vụ tới” – ông Minh chia sẻ. Cùng quan điểm này, ông Phạm Đình Quyết, Trưởng thôn Vĩnh Lại, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho rằng, tuy doanh nghiệp bảo hiểm Bảo Minh đã rất tích cực tuyên truyền, vận động, nhưng nông dân vẫn sợ, vẫn hồ nghi không dám mua BHNN. Chỉ khi có mất mát và được bồi thường thì người nông dân mới hiểu và làm theo.
Đại diện huyện Tiền Hải (Thái Bình) cho biết, để khôi phục sản xuất, địa phương sẽ cố gắng phát triển diện tích lúa xuân sắp tới để bù lại. Trong đó, địa phương sẽ quyết liệt hơn trong việc thúc đẩy triển khai BHNN. Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình khẳng định: “Qua thiệt hại do thiên tai, không chỉ người nông dân mà ngay cả các cấp chính quyền, các cán bộ nhà nước cũng hiểu biết hơn về giá trị nhân văn của BHNN”.
Do đặc thù của ngành trồng trọt, chưa thể thống kê chính xác được ngay thiệt hại, nên trước mắt, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện thủ tục đền bù BHNN thì sự có mặt của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), của Ban Chỉ đạo BHNN các cấp tại địa phương bị thiệt hại do thiên tai là rất cần thiết. Giám đốc Công ty Bảo Minh Nam Định Đặng Hồng Việt cho biết, với hơn 10.000 đơn đăng ký tham gia BHNN, Bảo Minh Nam Định đã chuẩn bị xong mọi thủ tục thuộc trách nhiệm của mình, chỉ còn đợi chốt số liệu thống kê thì sẽ thực hiện ngay việc trao tiền bồi thường cho bà con nông dân. “Chúng tôi cũng rất nóng lòng muốn chuyển tới bà con số tiền này, vì đây là tiền của ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ bà con lúc gặp thiên tai, do đó không thể chậm trễ được” – ông Việt nhấn mạnh.
Tiếp nhận thông tin về thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo Việt Nguyễn Quang Phi khẳng định: Ban Chỉ đạo BHNN Trung ương nói chung, hai DNBH Bảo Việt và Bảo Minh nói riêng sẽ tận tâm, tận lực để tiến hành công tác đền bù thiệt hại cho bà con nông dân đã tham gia BHNN tại Thái Bình, Nam Định cũng như tại các tỉnh khác đã triển khai BHNN. Tuy nhiên, quá trình đền bù đó nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các cấp, các ngành của địa phương triển khai BHNN, đặc biệt là công tác thống kê xác nhận thiệt hại, công bố chỉ số năng suất… “Dù NSNN đang gặp nhiều khó khăn nhưng tiền của Nhà nước đền bù BHNN cho bà con nông dân vẫn luôn sẵn sàng. Khi các cơ quan chức năng của địa phương hoàn thành thủ tục, các DNBH sẽ mở ngay thủ tục chi trả thiệt hại một cách nhanh chóng, minh bạch cho bà con” – ông Nguyễn Quang Phi nhấn mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()