Triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Từ ngày 1-3 vừa qua, quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng chính thức có hiệu lực. Theo đó, các chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công phức tạp. Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn khảo sát, thiết kế công trình xây dựng từ cấp II trở lên; còn nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường…
Bảo vệ công trình xây dựng trước các rủi ro
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ Sông Gâm (Tuyên Quang), năm 2012, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, công trình đã bị mưa lũ tàn phá. Tuy nhiên, công trình đã được Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt hợp đồng bảo hiểm nên sau sự cố không mong muốn này, dự án đã được bồi thường với số tiền lên đến gần bốn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp xây dựng có nguồn lực tài chính cần thiết để tiếp tục hoạt động sản xuất. Cũng thời gian đó, Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt còn chi trả gần bốn tỷ đồng cho công trình xây dựng thuộc dự án quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Ðồng.
Trong giai đoạn 1994-2014, doanh thu phí bảo hiểm xây dựng trên cả nước tăng bình quân 12%/năm, đạt 2.300 tỷ đồng vào năm 2014, trung bình hằng năm, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bồi thường khoảng 700 tỷ đồng, góp phần giúp các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại, bảo đảm tiến độ xây dựng công trình không bị gián đoạn.
Thực tiễn triển khai bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng cho thấy, trước khi thực hiện bắt buộc, loại hình bảo hiểm này đã được triển khai tương đối thuận lợi. Phó Giám đốc Ban tài sản kỹ thuật Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời điểm trước khi bắt buộc thực hiện bảo hiểm xây dựng, Bộ Tài chính đã ban hành chi tiết quy tắc, điều khoản, biểu phí, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, là căn cứ quan trọng cho chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng lập và phê duyệt dự toán công trình xây dựng. Quyền lợi của bên mua bảo hiểm cũng được bảo đảm thông qua ba loại hình bảo hiểm quan trọng là bảo hiểm thiệt hại vật chất của công trình trong quá trình xây dựng, lắp đặt; bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba; bảo hiểm cho các chi phí mà người sử dụng lao động có trách nhiệm phải trả cho người lao động khi không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm tổn thương cơ thể hay tính mạng. Chính các quy tắc, điều khoản và biểu phí ban hành này đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà nhận tái bảo hiểm quốc tế có uy tín, từ đó tạo thuận lợi cho DNBH trong việc khai thác và thu xếp tái bảo hiểm, giải quyết nhanh chóng, kịp thời việc bồi thường và trả tiền bảo hiểm. Mặt khác, do áp dụng thống nhất biểu phí nên đã hạn chế cạnh tranh không lành mạnh thông qua hạ phí bảo hiểm phi kỹ thuật, nhờ đó bảo đảm khả năng thanh toán của DNBH.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các DNBH, thực tế thực hiện bảo hiểm xây dựng cũng đã phát sinh những vướng mắc cần tháo gỡ. Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Minh cho biết, trước đây, do việc bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc nên nhiều chủ đầu tư chưa chú trọng việc mua bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm dưới giá trị. Khi xảy ra tổn thất thì chủ đầu tư chỉ nhận được bồi thường tương ứng với giá trị tham gia bảo hiểm, khiến cho bản thân họ cũng không có đủ kinh phí từ nguồn bồi thường bảo hiểm để khắc phục toàn bộ thiệt hại. Ngay cả các nhà thầu thi công cũng chỉ mua bảo hiểm cho người lao động với mức trách nhiệm thấp, vì thế, khi người lao động gặp rủi ro trong quá trình thi công, mức bồi thường chưa đủ để bù đắp chi phí y tế và thu nhập tối thiểu của người lao động; chưa tạo được sự an toàn cho các nhà đầu tư, nhà thầu tư vấn và người lao động khi tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Không những thế, việc thiếu quy định pháp lý cần thiết đã khiến cho các chủ đầu tư và nhà bảo hiểm thiếu căn cứ để lập dự toán về phí bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Ngay cả đại diện Tổng Công ty bảo hiểm dầu khí PVI – đơn vị “sở hữu” nhiều hợp đồng bảo hiểm xây dựng “khủng” cũng cho rằng, vì không bắt buộc nên nhiều công trình, kể cả công trình sử dụng ngân sách nhà nước cũng “né” mua bảo hiểm. Rõ ràng, việc quy định bắt buộc thực hiện bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng là rất cần thiết, không chỉ góp phần bảo vệ cho các công trình xây dựng trước các rủi ro, mà còn bảo đảm khôi phục tổn thất nhanh chóng, đầy đủ cho các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, người lao động tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn
Trao đổi về quan điểm của Bộ Tài chính khi đưa loại hình bảo hiểm trong đầu tư xây dựng từ tự nguyện sang bắt buộc, Cục trưởng Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phùng Ngọc Khánh cho biết, quy định mới này bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ và nhất quán với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế triển khai bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng và điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng quy định pháp luật và giảm thiểu thủ tục hành chính. Không những thế, các quy định mới này còn phải tạo thuận lợi cho các DNBH, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện loại hình nghiệp vụ này, nhằm giảm gánh nặng chi cho ngân sách nhà nước.
Về phía các doanh nghiệp, các DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải đáp ứng đủ điều kiện, nhất là về năng lực tài chính và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nghiệp vụ. DNBH sẽ bồi thường cho các tổn thất phát sinh từ mọi rủi ro không cố ý, có tính ngẫu nhiên hay cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lên tới 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn. “Chính vì thế, có thể nói những quy định mới này đã góp phần bảo đảm an toàn tài chính cho các chủ đầu tư, nhất là ở các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, giúp họ có nguồn tiền vốn khôi phục hoạt động khi xảy ra rủi ro, cũng như góp phần bảo vệ người lao động trực tiếp trên công trường mà từ trước tới nay chưa được quan tâm đúng mức. Về phía DNBH, trong trường hợp gặp phải những tổn thất lớn thì vẫn đủ khả năng chi trả bồi thường”, Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh khẳng định.
Ðể các quy định mới về bảo hiểm xây dựng nhanh chóng đi vào cuộc sống, rõ ràng, trách nhiệm chính vẫn thuộc các DNBH. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn giải đáp các nguyên tắc, điều khoản cho các chủ đầu tư nếu được làm tốt thì việc tham gia bảo hiểm sẽ tránh được các tranh chấp phát sinh khiếu nại không cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đáp ứng yêu cầu của hoạt động bảo hiểm là chia sẻ rủi ro thông qua hình thức tái bảo hiểm ra nước ngoài.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()