Triển khai an sinh xã hội và các sản phẩm, dịch vụ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Với việc sẵn sàng về hạ tầng công nghệ cho các bên tham gia để triển khai dịch vụ thanh toán và đầu mối xử lý quyết toán giữa các bên thông qua hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, sự hợp tác với Napas là rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Quang cảnh lễ ký kết. |
Ngày 22/9, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an) đã ký Thỏa thuận hợp tác triển khai an sinh xã hội và các sản phẩm, dịch vụ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Phát biểu tại buổi ký kết, Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu dân cư, Bộ Công an cho biết: “Với việc sẵn sàng về hạ tầng công nghệ cho các bên tham gia để triển khai dịch vụ thanh toán và đầu mối xử lý quyết toán giữa các bên thông qua hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, sự hợp tác với Napas là rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ sớm triển khai việc tận dụng những tài khoản ngân hàng, mobile money đã có để người dân đăng ký, xác thực và liên kết tài khoản an sinh xã hội, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng chuộc lợi, gian lận nhận trợ cấp, cũng như mang lại sự tiện ích cho người dân có thể rút tiền tại bất kỳ hình thức nào theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc Napas chia sẻ: “Thông qua việc ký kết hợp tác, Napas tiếp tục phát huy vai trò là Trung tâm chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho hệ thống thanh toán quốc gia; cung cấp hạ tầng thanh toán điện tử cho nền kinh tế và hạ tầng chia sẻ một số dịch vụ dùng chung cho toàn bộ các đơn vị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc hợp tác tạo thuận lợi cho công tác chi trả an sinh xã hội; tiết kiệm thời gian, thuận tiện cho công dân trong việc nhận các khoản trợ cấp an sinh xã hội; giảm bớt áp lực thủ tục hành chính cho cơ quan nhà nước liên quan; từ đó tiết kiệm tối đa nguồn lực cho xã hội”.
Với việc Bộ Công an đã triển khai thành công phát hành căn cước công dân có gắn chip cho toàn bộ công dân và đang thúc đẩy triển khai ứng dụng định danh quốc gia ngày càng rộng rãi, Thỏa thuận hợp tác triển khai cung cấp các sản phẩm dịch vụ giữa hai bên trên cơ sở kết nối và tận dụng mạng lưới hạ tầng sẵn có của Napas với các tổ chức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ mang lại các lợi ích to lớn hơn nữa cho người dân thông qua các dịch vụ tài chính, tiện ích thanh toán được cung cấp nhanh chóng, thuận lợi.
Trong thời gian tới, Napas tiếp tục nỗ lực triển khai nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước giao phó trong việc bảo đảm cung cấp hạ tầng thanh toán an toàn, ổn định và thông suốt; đồng thời triển khai các phương thức thanh toán mới, hiện đại, nhiều tiện ích cho người dân, góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Trước đó, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 6/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó nhấn mạnh quan điểm: lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích của chuyển đổi số; bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả an sinh xã hội trên cơ sở triển khai giải pháp dùng chung hạ tầng… và chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội; Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động Công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm xã hội, hoạt động ngân hàng,…
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, sau khi triển khai phát hành căn cước công dân có gắn chip cho người dân và triển khai ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến chi trả trợ cấp, an sinh xã hội cho công dân, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, hiệu quả và đặc biệt thời gian chi trả cần được thực hiện nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác là căn cứ để hai bên tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ ngành và các bên liên quan triển khai chi trả an sinh xã hội cho người dân theo phương thức điện tử. Qua đó, không những giúp người dân có thêm phương thức thuận tiện, tiết kiệm nhiều thời gian khi nhận các khoản trợ cấp an sinh xã hội bên cạnh nhận bằng tiền mặt, mà các cơ quan Nhà nước còn có thể thực hiện việc quản lý dữ liệu về tài khoản an sinh và các thông tin chi trả an sinh một cách tập trung và đồng bộ.
Ý kiến ()