Trí thức hóa đội ngũ công nhân Thủ đô thời kỳ CNH, HÐH đất nước
Hội nghị lần thứ 6, BCH T.Ư Ðảng khóa X ra Nghị quyết số 20 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, chỉ rõ: "Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; Trong đó, sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý của nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân".
Cuộc thi thợ giỏi tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). |
Hội nghị lần thứ 6, BCH T.Ư Ðảng khóa X ra Nghị quyết số 20 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, chỉ rõ: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; Trong đó, sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý của nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân”.
Những con số biết nói
Nghị quyết 20 khẳng định: “Ðào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược…”. Xác định rõ vai trò quan trọng trực tiếp được Ðảng giao, với chức năng nhiệm vụ của mình, 5 năm qua, các cấp công đoàn Thủ đô Hà Nội đã kiên trì phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, chủ động tích cực phát huy vai trò, từng bước đổi mới nâng cao hiệu quả công tác công đoàn, góp phần quan trọng, từng bước xây dựng đội ngũ công nhân viên chức, lao động (CNVCLÐ) Thủ đô ngày càng lớn mạnh.
Trí thức hóa giai cấp công nhân là vấn đề cấp thiết, song không thể nóng vội, một sớm, một chiều. Nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế còn tiếp tục như hiện nay, không ít công nhân, lao động (CNLÐ) “nặng” tâm lý với nỗi lo cơm, áo, gạo tiền hơn là việc đi học nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề, tác phong công nghiệp. Nguyên nhân được xác định do công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tích cực học tập, nâng cao học vấn, tay nghề cho CNLÐ trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn nhiều “rào cản” như chủ doanh nghiệp (DN) chỉ quan tâm lợi nhuận kinh tế, chưa tạo điều kiện cho CNLÐ đi học. Một bộ phận không nhỏ CNLÐ có tư tưởng an phận… Nhận thức rõ vấn đề này, các cấp công đoàn Thủ đô đã không ngừng vận động CNVCLÐ, đoàn viên công đoàn tích cực học tập rèn luyện nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, ý thức giai cấp, kiến thức pháp luật và xã hội, rèn luyện tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật lao động. Với những nỗ lực trên, từ năm 2007 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã có hơn 14 nghìn CNLÐ được đi học bổ túc văn hóa, gần 37 nghìn CNLÐ học đại học. Hơn 10 nghìn lượt cơ sở tổ chức cho gần 150 nghìn CNLÐ được đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề. Hằng năm, trung bình có 30 nghìn lượt CNLÐ được học tập các bài chính trị cơ bản. Những con số trên là tín hiệu đáng mừng, song so sánh với số lượng gần 10 triệu CNLÐ trên địa bàn, thì số CNLÐ được trí thức hóa như vậy còn ít, các cấp công đoàn Thủ đô cần có những nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Nòng cốt trong các phong trào thi đua
Với phương châm “ở đâu có công đoàn, ở đó có thi đua”, các cấp công đoàn đã phối hợp chính quyền, phát động, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, được đông đảo CNVCLÐ hưởng ứng tham gia, đem lại những hiệu quả kinh tế – xã hội quan trọng. Hằng năm, LÐLÐ thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động và ký giao ước giữa các khối, quận, huyện, ngành và tổng công ty thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”. Kết quả đã có hơn 95% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát động thi đua, trong đó phong trào thi đua phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô”, thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” phát triển ngày càng sâu rộng. Nhiều hội thi tay nghề, thao diễn kỹ thuật được tổ chức, đã khích lệ, động viên đông đảo CNLÐ không ngừng phấn đấu nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả. Năm năm qua, từ các phong trào “thi đua Lao động giỏi”, “thi đua giành danh hiệu Công nhân giỏi”, “sáng kiến sáng tạo” đã xuất hiện hơn 37 nghìn CNLÐ giỏi với hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi gần 150 tỷ đồng.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nhất là trong tình hình kinh tế suy thoái, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, 5 năm qua, công đoàn Thủ đô đã xây dựng 318 dự án cho vay hơn 31 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm và hơn 21 tỷ đồng từ Quỹ Trợ vốn CNVCLÐ nghèo Thủ đô, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 6.352 lao động với mức thu nhập tăng thêm từ 700 nghìn đến 1,1 triệu đồng/người/tháng. Quỹ xã hội LÐLÐ thành phố đã trợ giúp cải tạo, sửa chữa, xây dựng 226 “Mái ấm Công đoàn” với tổng số tiền hơn bốn tỷ đồng. Ngoài ra, hằng năm các cấp Công đoàn Thủ đô trợ cấp, khám sức khỏe miễn phí cho hàng nghìn CNLÐ với số tiền hàng tỷ đồng.
Thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành hai khu nhà ở cho CNLÐ tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và Phú Nghĩa, với tổng dung lượng thiết kế là 1.556 phòng, đáp ứng nhu cầu cho gần 12 nghìn người. LÐLÐ thành phố Hà Nội cũng đã ra mắt và chỉ đạo hoạt động 45 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, 11 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở các địa bàn đông công nhân, các khu công nghiệp và chế xuất. Tổ chức các chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, phát hành Báo Lao động Thủ đô miễn phí đến CNLÐ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ chức hàng trăm chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê ăn Tết…
Những kết quả nêu trên là nhờ có sự cố gắng, chăm lo của các cấp công đoàn. Một mặt tuyên truyền, động viên, nhằm ổn định tư tưởng tinh thần CNLÐ, mặt khác, công đoàn triển khai hàng loạt các giải pháp như kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, cho phép chính quyền địa phương ứng ngân sách trả nợ lương cho công nhân ở những doanh nghiệp bỏ trốn. Công đoàn ký quy chế phối hợp ngành bảo hiểm, y tế, xây dựng thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền lợi cho CNLÐ.
Chủ tịch LÐLÐ thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Thực cho biết, LÐLÐ thành phố Hà Nội đã có kiến nghị với Thành ủy Hà Nội, chỉ đạo các cấp ủy, và cả hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 20 và Chương trình hành động số 32 của Thành ủy về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Gắn chương trình công tác hằng năm của các cấp, ngành với việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết 20 và Chương trình 32 như: giải quyết từng bước những vấn đề bức xúc về đời sống của CNLÐ ở các khu công nghiệp; phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp, nâng cao trình độ mọi mặt cho CNLÐ…
LÐLÐ thành phố cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở, các sở, ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động và Luật Công đoàn; xây dựng các công trình nhà ở, phúc lợi công cộng, nhà văn hóa công nhân, trạm y tế, hạ tầng cơ sở phục vụ đời sống CNLÐ, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung đông CNLÐ. Ðề nghị thành phố xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ công nhân học tập nâng cao trình độ, tay nghề, có chính sách ưu tiên đãi ngộ công nhân giỏi, công nhân lành nghề, có tay nghề bậc cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()