Trị thói bao biện, ngụy biện
Gần đây, hiện tượng bao biện, ngụy biện ở không ít cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý có nguy cơ trở thành bệnh “thâm căn cố đế”, là vấn đề gây bàn tán nhiều trong xã hội. Mặc dù hiện tượng “vụng chèo khéo chống” ấy bị dư luận phê phán, lên án song nó cứ tái đi tái lại, được nhiều cán bộ có chức quyền từ cơ quan, đơn vị cấp cơ sở đến các cấp cao hơn lấy làm “chỗ dựa” để giải thích, thanh minh cho hành vi vi phạm, sai phạm.
Bao biện, ngụy biện vốn được hiểu là việc một ai đó cố tình đưa ra các căn cứ thiếu khách quan, trái quy luật logic để giải thích, phân tích, biện minh, bao che động cơ, mục đích, kết quả thực hiện một việc nào đó từ sai thành đúng hoặc từ đúng thành sai. Bản chất của bao biện, ngụy biện chính là đánh lạc hướng, nhằm làm cho người nghe, người đọc hiểu sai, tin theo.
Thói bao biện, ngụy biện xuất hiện ở đâu cũng nguy hại, nhưng nếu xuất hiện trong bộ máy lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan công quyền thì gây hậu quả khôn lường. Nó không chỉ che đậy việc làm thất thoát ngân sách mà còn khiến sự sáng tạo, cái đúng, sự trung thực trong tổ chức bị thui chột. Nó là nguyên nhân cho giả dối, đạo đức giả tồn tại. Nguy hiểm hơn, nó là một trong những căn nguyên thúc đẩy hiện tượng phe nhóm, “cánh hẩu” có đất sống; khiến mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân dần xa cách. Nó chính là một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra.
Gần đây, trước thông tin Xí nghiệp Dịch vụ công cộng thuộc Công ty Dịch vụ công ích thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh lỗ 8 tỷ đồng thu phí giữ xe năm 2021 thì một lãnh đạo của đơn vị này đã trả lời báo chí rằng: “Chúng tôi không đặt nặng “lời – lỗ” mà mục đích chính là giúp giao thông ở khu trung tâm thông thoáng, trật tự”… Dư luận không đồng tình vì đó là cách nói bao biện, ngụy biện cho việc quản lý tài chính yếu kém hoặc nhằm một mục đích nào đó sâu xa hơn.
Hiện tượng bao biện, ngụy biện rõ nhất là ở đại án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Trước khi bị bắt, rất nhiều lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương hùng hồn tuyên bố với báo chí là “không nhận đồng nào từ Việt Á”. Điển hình là các bị can: Giám đốc CDC tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Lành; Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định; Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu; Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế Hoàng Văn Đức…
Nực cười hơn cả là hiện tượng bao biện, ngụy biện của các nguyên cán bộ lãnh đạo cao cấp trước tòa. Điển hình là trường hợp nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến. Dù đã nhận sai vì ký quyết định chuyển nhượng dự án không thông qua đấu giá, làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng, nhưng trước tòa bị cáo Tuyến vẫn ra sức ngụy biện “chỉ là người ký thay” và “vì cả nể mà ký” chứ không phải là tham ô. Trơ trẽn nhất là trường hợp bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma. Bị cáo này thản nhiên biện bạch cho hành vi nhập khẩu hàng nghìn lọ thuốc chống ung thư giả trước tòa, rằng: “Nhập khẩu thuốc chống ung thư giả là điều… bình thường!”…
Tình trạng bao biện, ngụy biện mà dư luận biết qua báo chí, truyền thông mới chỉ là phần nhỏ. Thực tế, hiện tượng bao biện, ngụy biện xuất hiện khá nhiều trong các cuộc họp, hội nghị mà báo chí không được tham dự. Trước những vấn đề lãnh đạo, quản lý yếu kém, hiệu quả thấp, nhiều cán bộ đã đổ lỗi cho mặt trái kinh tế thị trường, do cơ chế chồng chéo và các nguyên nhân khách quan khác. Bao biện, ngụy biện nguy hại là thế, nhưng ít cơ quan, đơn vị nào áp dụng các biện pháp mạnh để chữa trị.
Muốn phát hiện bao biện, ngụy biện thì cần căn cứ vào mục đích hành vi, việc làm. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn khẳng định mọi chủ trương, đường lối đều “do dân và vì lợi ích của nhân dân”. Quán triệt chủ trương này, nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhiều địa phương đã rất nỗ lực cụ thể hóa thành hiện thực, thông qua các giải pháp hướng đến tạo việc làm, nâng cao dân trí, cải thiện sức khỏe, tăng thu nhập và tăng hưởng thụ phúc lợi xã hội cho nhân dân. Thế nên, những hiện tượng bao biện, ngụy biện để đặc quyền, làm giàu cho “nhóm lợi ích” mang nặng chủ nghĩa cá nhân hoặc che chắn những yếu kém từ lãnh đạo, quản lý phải được soi chiếu bởi mục tiêu, mục đích “do dân, vì dân”. Muốn trị dứt điểm căn bệnh bao biện, ngụy biện cần nhiều giải pháp, điển hình là mở rộng dân chủ để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thực chất và có kết quả. Tai mắt của nhân dân sẽ giúp Đảng, Nhà nước nhìn thấu và loại bỏ những cán bộ mang “hai bộ mặt”, “đỏ vỏ, xanh lòng”.
Ở tầm vĩ mô, cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ công tâm, thực chất, theo nguyên tắc “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, qua đó để lựa chọn được nhiều cán bộ tiên phong, nòng cốt về tinh thần cống hiến. Ngoài ra, cần thường xuyên bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, tăng thời gian thử thách cán bộ ở nơi khó khăn, phức tạp; tổ chức luân chuyển cán bộ thường xuyên thay vì theo quy hoạch và nhiệm kỳ như hiện nay. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ thông qua kết quả thực tiễn thay vì những bài thi nặng về lý thuyết như nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đang áp dụng hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong. Thực tế chứng minh quan điểm đó là hoàn toàn đúng đắn. Khi đã có cán bộ tốt thì rõ ràng sẽ không có hiện tượng bao biện, ngụy biện và chắc chắn rằng những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý sẽ được phát hiện, khắc phục.
Ý kiến ()