Tri Phương: Triển vọng kinh tế từ chăn nuôi ngựa
– Những năm gần đây, tận dụng lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tri Phương, huyện Tràng Định đã phát triển chăn nuôi ngựa. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân.
Người dân xã Tri Phương, huyện Tràng Định chăm sóc ngựa bạch
Là một trong những hộ tiên phong phát triển chăn nuôi ngựa trên địa bàn xã Tri Phương, anh Nông Văn Ngọc, thôn Phai Sào cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu về sức kéo giảm và giá bán trâu, bò thịt cũng bấp bênh nên tôi chủ động chuyển đổi sang chăn nuôi ngựa. Theo đó, năm 2018, tôi dùng số vốn tích góp được để mua 3 con ngựa giống. Nhận thấy ngựa dễ chăm sóc, giá bán cao nên năm 2020, tôi tăng đàn ngựa lên 8 con và duy trì số lượng đó cho đến nay. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 2 đến 3 con ngựa, với giá dao động từ 25 đến 30 triệu đồng/con, nên riêng nuôi ngựa đã đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng.
Không chỉ gia đình anh Ngọc, một số hộ dân nhận thấy chăn nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã chủ động vay vốn để phát triển mô hình. Điển hình như mô hình chăn nuôi ngựa theo hình thức bán chăn thả tại thôn B2 của gia đình ông Lý Văn Mằn. Ông Mằn cho biết: Nhận thấy gia đình có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi ngựa, đầu năm 2022, gia đình tôi đã làm hồ sơ vay 1,9 tỷ đồng theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 08) về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Sau khi có vốn, gia đình tôi đã mua 40 con ngựa bạch giống, đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại với diện tích hơn 1.000 m2 và trồng 2 mẫu cỏ voi. Sau gần 1 năm chăm sóc, từ cuối năm 2022 đến nay, gia đình tôi đã xuất bán 9 con ngựa với giá bán dao động từ 60 đến 70 triệu đồng/con, doanh thu đem lại gần 600 triệu đồng.
Ngoài 2 mô hình chăn nuôi trên, theo số liệu thống kê của UBND xã Tri Phương, tính đến hết tháng 8/2023, toàn xã có 25 hộ nuôi ngựa với 124 con ngựa, trong đó có khoảng 40% là giống ngựa bạch. Chăn nuôi ngựa phát triển mạnh ở các thôn như: Bản Đoỏng, B2, Phai Sào…
Theo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi, để đàn ngựa phát triển tốt cần chú trọng khâu chăm sóc, bổ sung thức ăn như: thóc, ngô, rơm rạ, cỏ voi… Đồng thời, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh. Nếu được chăm sóc tốt, ngựa khỏe mạnh, lớn nhanh, khi xuất chuồng mỗi con cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trâu, bò. Theo đó, đối với ngựa bạch con nuôi trên 5 tháng sẽ xuất bán với giá từ 30 đến 35 triệu đồng/con; ngựa bạch trưởng thành có giá bán dao động từ 60 đến 90 triệu đồng/con. Đối với ngựa thường, con trưởng thành có giá từ 35 đến 40 triệu đồng.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, để hỗ trợ phong trào chăn nuôi phát triển, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn lồng ghép về các kỹ thuật chăn nuôi, trong đó có kỹ thuật chăm sóc đàn ngựa cho bà con; tư vấn, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi ngựa như vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, chính quyền xã đã tư vấn, hỗ trợ cho 3 hộ vay vốn theo Nghị quyết 08 với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi ngựa.
Ông Hoàng Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Hiện nay, mô hình chăn nuôi ngựa trên địa bàn xã đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các hộ phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi ngựa; tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ngựa để đáp ứng nhu cầu thị trường; phối hợp với tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tuyên tuyên, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, chính quyền xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân liên kết, thành lập các tổ hợp tác, hướng đến phát triển chăn nuôi hàng hóa.
Có thể thấy, mô hình chăn nuôi ngựa trên địa bàn xã Tri Phương đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Từ mô hình, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống và mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Ý kiến ()