Tri Phương: Giảm nghèo bền vững nhờ vốn vay ưu đãi
(LSO) – Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tạo cơ hội và giúp hộ nghèo các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Tri Phương, huyện Tràng Định có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Những ngày giữa tháng 9/2019, chúng tôi có mặt tại xã Tri Phương vào đúng ngày giao dịch định kỳ của NHCSXH huyện tại xã (giao dịch cố định vào ngày 14 hàng tháng). Tại đây, NHCSXH thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, bà con có mặt tại điểm giao dịch từ rất sớm, người thì trả nợ, người vay mới.
Gia đình bà Tống Thị Nhuận, thôn Kéo Quân trước đây là hộ nghèo, mặc dù có đất nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, gia đình bà được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng, bà đầu tư trồng mới và chăm sóc rừng hồi. Đến nay, gia đình bà đã trồng được 2 ha, một phần diện tích bắt đầu cho thu hoạch. Bà Nhuận phấn khởi cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã thoát nghèo và xây được nhà mới khang trang”.
Người dân xã Tri Phương sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển cây ăn quả
Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, NHCSXH huyện Tràng Định đã chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của xã tổ chức họp bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, công khai theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND huyện phê duyệt hằng năm. Bên cạnh đó, ngân hàng phân công cán bộ tín dụng tham dự họp tổ TK&VV, tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, quy định của ngân hàng; kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ TK&VV, tránh tình trạng vay hộ, xâm tiêu, chiếm dụng vốn.
Nhằm đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, sau một tháng giải ngân cho vay, NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác đến kiểm tra tại các hộ vay. Các tổ TK&VV của xã đến từng gia đình vay vốn đôn đốc, động viên và hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn. Theo đó, từ nguồn vốn vay, bà con trên địa bàn xã chủ động chọn cây, con giống, phát huy thế mạnh của xã như: nuôi trâu nhốt chuồng, trồng hồi, cây ăn quả…
Nhờ nguồn vốn, nhiều hộ trên địa bàn xã đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại hiệu quả. Cụ thể như mô hình nuôi trâu, trong xã đã có hộ nuôi với số lượng gần 20 con, hộ nuôi ít cũng có từ 2 đến 3 con, hiện tổng đàn trâu của xã đạt trên 400 con. Tận dụng diện tích đất kém hiệu quả, bà con chủ động trồng được trên 5 ha cây ăn quả gồm: bưởi, quýt, nhãn… Bên cạnh đó, diện tích cây hồi toàn xã có khoảng 300 ha. Qua đó, đã từng bước đem lại thu nhập cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 13 tổ TK&VV, 393 hộ được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 7 chương trình tín dụng là 16,7 tỷ đồng. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của xã. Nếu như năm 2016, toàn xã còn 130 hộ nghèo (chiếm 10,03%) thì hiện chỉ còn 62 hộ nghèo (tỷ lệ 5,57%), giảm 4,46%. Đời sống người dân dần được cải thiện và nâng cao.
Ông Lê Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Để có được kết quả trên, UBND xã đã xác định đúng trách nhiệm trong việc xác nhận đúng đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH. Hằng năm, xã chỉ đạo các thôn, bản nắm số lượng gia đình thuộc đối tượng và có nhu cầu vay vốn để đáp ứng nhu cầu của bà con. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả nguồn vốn, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho bà con…
Ông Nông Văn Tâm, Giám đốc NHCSXH huyện Tràng Định cho biết: Nhiều năm qua, Tri Phương thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần đưa nguồn vốn đến hộ nghèo và đối tượng chính sách đầu tư phát triển kinh tế kịp thời. Hiện, toàn xã không có nợ quá hạn; tỷ lệ thu lãi đạt 100%; hằng năm, nhận tiền gửi tiết kiệm qua tổ đều đạt 100% kế hoạch giao. Từ kết quả đó, tháng 9/2019, UBND xã Tri Phương được Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích thực hiện vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()