Trị ''bệnh'' nể nang để ''dĩ công vi thượng''
1.Nói nể nang là “bệnh” bởi vì nó ảnh hưởng đến “sức khỏe” đạo đức và tính chiến đấu của cá nhân cán bộ, đảng viên và tập thể tổ chức Đảng.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, “bệnh” nể nang không phải cá biệt mà diễn ra khá phổ biến trong xã hội, gây ra hệ lụy khôn lường, bởi nể nang suy cho cùng chính là vô trách nhiệm – không bảo vệ, ủng hộ việc đúng, việc tốt; không những không đấu tranh mà còn có khi ủng hộ cho cái xấu, cái sai. Việc hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua, ngoài việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thì còn có nguyên nhân rất quan trọng là tổ chức cơ sở Đảng buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát; đảng viên còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh.
Dẫn chứng mới nhất cho “bệnh” nể nang là vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 16 bị can trong vụ án tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Trong số này, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, được kết luận đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đáng chú ý, kết luận điều tra cho biết, ông Tuyến biết việc làm của các bị can tại SAGRI là không đúng pháp luật, nhưng một phần do nể nang Lê Tấn Hùng, là em trai nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nên đã dẫn đến sai phạm.
Mỗi khi có bị cáo nguyên là cán bộ có chức vụ trong hệ thống chính trị mà lại phải đứng trước vành móng ngựa, một câu hỏi đau đớn lại được đặt ra: Vì sao, trong đơn vị có tổ chức Đảng, có bao nhiêu đồng chí, đồng nghiệp, hằng tháng, hằng năm, qua rất nhiều kỳ sinh hoạt Đảng, mà không ai lên tiếng cảnh báo, quyết liệt ngăn chặn từ sớm khiến “cái sảy nảy cái ung”, sai phạm chồng sai phạm đến mức phải xử lý hình sự?
Các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhiều năm nay vẫn thường nêu một trong những hạn chế nổi bật là công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, trong nhiều năm, công tác tự kiểm tra nội bộ không phát hiện và xử lý vụ việc nào có liên quan đến tham nhũng. Khâu yếu này một phần có nguyên nhân từ “bệnh” nể nang trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; thậm chí lây lan thành thói thờ ơ, vô trách nhiệm.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh…”.
Trả lời câu hỏi “khoảng trống” nào đã để các đơn vị xảy ra sai phạm kéo dài vẫn không bị phát hiện và xử lý kịp thời, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đã không do dự mà khẳng định: Điểm yếu nhất là tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm… Chính vì “bệnh” nể nang có hệ lụy khôn lường, Đảng ta đã sớm nhận diện, cảnh báo, đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
2.Để trị “bệnh” nể nang, giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu, phải gương mẫu thực hành dân chủ, xây dựng và thực hiện cơ chế tiếp thu xử lý kịp thời, hiệu quả thông tin và ý kiến phê bình mà cán bộ, đảng viên, nhân dân nêu ra; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên và người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất. Việc tự phê bình và phê bình tại mỗi tổ chức cơ sở Đảng chỉ thực sự có ý nghĩa nếu tránh được tình trạng “dĩ hòa vi quý” và tránh tâm lý sợ “phê bình cấp trên sẽ bị trù dập, phê bình đồng nghiệp sẽ bị mất lòng, phê bình cấp dưới sẽ bị mất phiếu”. Tự phê bình và phê bình chỉ phát huy tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt… Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật.
Nể nang là “bệnh” phải được loại bỏ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi nếu mắc “bệnh” này chắc chắn sẽ không “dĩ công vi thượng” – nghĩa là đặt việc công lên trên hết, lúc nào, ở đâu cũng hết lòng, hết sức tận tụy với nhiệm vụ vì nước, vì dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cán bộ, đảng viên “dĩ công vi thượng” là người không mắc “bệnh” nể nang, thấy sai sẽ kiên quyết đấu tranh, phê bình, ngăn chặn; qua đó, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ý kiến ()