Tri ân người có công phải làm với tình cảm, trách nhiệm cao hơn
“Công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng còn rất nhiều việc phải làm và phải làm tốt hơn, làm với tâm thế mới, với tình cảm, trách nhiệm cao hơn” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: KT)
Sáng 18/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” và tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017). Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tri ân bằng cả tấm lòng
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao ngành LĐ-TB&XH, các bộ, ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân đã chung sức, chung lòng thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa để thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa với người có công. “Các hoạt động không chỉ mang tính kỷ niệm mà được làm với tất cả tấm lòng cảm động. Quan trọng nhất là chúng ta xác định niềm vinh dự, tự hào cũng như trách nhiệm của mình phải tiếp tục làm gì để xứng đáng với sự hy sinh ấy của bao thế hệ” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dù đạt được nhiều kết quả, song Phó Thủ tướng cho rằng: “công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng còn rất nhiều việc phải làm và phải làm tốt hơn, làm với tâm thế mới, với tình cảm, trách nhiệm cao hơn”.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐ-TB&XH tập trung giải quyết những hồ sơ đã tiếp nhận trong năm 2017, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng. Phó Thủ tướng cho biết, trước đây, chúng ta xem xét với tinh thần hồ sơ phải đầy đủ bằng chứng, phải chặt chẽ nhưng vừa qua khi chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 70 năm thì có rất nhiều kiến nghị, bàn bạc từ các ngành, các cấp thì bây giờ chúng ta quyết định tinh thần là có những hồ sơ không có đầy đủ được thì bằng nhiều phương pháp phải có thông tin. Thông tin có được phải minh bạch, không có khiếu nại thì mới xem xét giải quyết. Các trường hợp vi phạm chế độ, chính sách phải xử lý nghiêm khắc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Việc xác định danh tính liệt sĩ phải làm với tất cả tấm lòng nhưng phải làm cẩn trọng, khoa học.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cách tri ân tốt nhất đối với các liệt sỹ, thương sinh, các gia đình người có công là phải làm tốt hơn những nhiệm vụ mà Trung ương Đảng đã xác định như phát triển về kinh tế, môi trường, văn hóa… Khơi dậy, nhân lên cái tốt trong mỗi cơ quan, trong mỗi một con người, trong mỗi một công việc. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các bộ, ngành, đoàn thể cần chung tay xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng làm sao để công tác người có công ngày càng tốt hơn”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ LĐ-TB&XH cùng các cấp, các ngành sẽ vào cuộc triển khai một cách quyết liệt, tận tâm với tinh thần, trách nhiệm cao. Trong đó, chú trọng vào các mục tiêu giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương bình còn tồn đọng; giải quyết nhà ở cho người có công; phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ làm điểm việc giải quyết hồ sơ thanh niên xung phong tồn đọng do không còn giấy tờ tại 3 tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Bình với phương châm công khai, minh bạch và thận trọng. Từ kết quả thí điểm, sẽ nhân rộng trên cả nước…
Dành 1.392,7 tỷ đồng tặng quà cho người có công
Báo cáo tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị – xã hội quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ đã tạo ra phong trào rộng khắp trong cả nước, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị từ trung ương tới địa phương, thể hiện qua những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp này là hơn 394,6 tỷ đồng.
Các địa phương đã trích ngân sách tổ chức gặp mặt, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách. Theo báo cáo ban đầu, ngân sách các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 998,1 tỷ đồng với trên 2,44 triệu suất quà thăm hỏi tặng cho các gia đình chính sách…
“Như vậy, theo thống kê ban đầu, ngân sách nhà nước đã dành tổng cộng khoảng 1.392,7 tỷ đồng cho công tác thăm, tặng quà, chăm sóc người có công với cách mạng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” được đẩy mạnh sâu rộng bằng những việc làm cụ thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công.
Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được, cùng với sự hỗ trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho các gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở với tổng số nhà xây mới và sửa chữa là 26.882 căn.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, bản thân người có công với ý chí tự lực, tự cường, đã vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập…, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen cho tập thể Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: KT) Tham dự hội nghị, đại diện Sở LĐ-TB&XH một số địa phương, các cơ quan ban, ngành cũng đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm kết quả các hoạt động kỷ niệm.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đã triển khai các nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 14 ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen 16 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã trao Bằng khen tặng 93 tập thể, 66 cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ. Tập thể Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và hai cá nhân được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH tặng Bằng khen./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()