Tri ân các cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu tham gia Tổng khởi nghĩa
Chiều 19-8, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức gặp mặt tri ân các cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu đã trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, với chủ đề “Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội”. Tới dự, có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
* Triển lãm 70 năm xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân
* Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên”
Chiều 19-8, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức gặp mặt tri ân các cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu đã trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, với chủ đề “Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội”. Tới dự, có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những cống hiến của các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã tham gia mở trang lịch sử mới cho dân tộc, đồng thời bày tỏ mong muốn được nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đồng chí đối với công tác đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống hào hùng của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời. Trong đó, vai trò Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện một cách đúng đắn, phù hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định, một trong những giá trị quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Tám là biết dựa vào nhân dân. Đó là bài học kinh nghiệm không chỉ dành cho quá khứ, mà cần vận dụng tốt vào thực tiễn hiện nay.
* Ngày 19-8, Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt 326 đại biểu là các chiến sĩ tham gia Cách mạng Tháng Tám, cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày và gia đình người có công với cách mạng. Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Oanh, nguyên Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu, Trưởng đoàn Đại biểu Hà Nội dự Quốc dân Đại hội Tân Trào; Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc diễn văn ôn lại khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đồng chí nhấn mạnh: Đúng ngày này, chính tại nơi đây 70 năm trước, trong khí thế sục sôi cách mạng “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng và Bác Hồ vĩ đại, nhân dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên, tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích nô lệ của đế quốc thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-8-1945 đã cổ vũ và thúc đẩy quá trình Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc mau chóng giành thắng lợi…
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu Vũ Oanh, Lê Đức Vân, Từ Hoan Thủy – những người đã trực tiếp tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám đã kể lại những câu chuyện xúc động, tái hiện không khí cách mạng hào hùng 70 năm trước, đồng thời khẳng định, thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội và trong cả nước là thắng lợi của tư duy nhanh nhạy của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng. Đây còn là kết quả của những năm tháng chuẩn bị rất công phu và khẩn trương để xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân đi từ thấp đến cao trong điều kiện cực kỳ khó khăn nhưng rất sáng tạo của Đảng bộ, của Mặt trận Việt Minh Hà Nội. Thay mặt thế hệ trẻ Thủ đô, sinh viên Vũ Mỹ Hạnh (Trường đại học Ngoại thương Hà Nội) phát biểu, bày tỏ niềm tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang, lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ cha anh đã chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuổi trẻ Thủ đô hôm nay tích cực thi đua làm nghìn việc tốt, tình nguyện góp sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.
* Ngày 19-8, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khai mạc triển lãm “70 năm xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. 150 hiện vật, hình ảnh của triển lãm được trưng bày theo bốn chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập Nhà nước; Xây dựng Nhà nước trong những ngày đầu độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954); Xây dựng nhà nước trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, giải phóng miền nam (1954-1975); Xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 đến nay). Triển lãm cũng giới thiệu nhiều hiện vật quý, thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước với Đảng, với Bác Hồ như: Quyết tâm thư của thanh niên Hà Nội gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, các món quà thanh, thiếu nhi tự làm để tặng Bác…
* Tối 19-8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám. Tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Ngày hội đất nước – 70 năm độc lập”, do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện. Ngoài ra, còn có các chương trình nghệ thuật được tổ chức tại quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và một số địa điểm khác.
* Ngày 19-8, tại Trung tâm chiếu phim quốc gia Hà Nội, bộ phim truyện Nhà tiên tri (Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) và phim hoạt hình Kim Đồng (Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất) được trình chiếu mở màn cho Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Cục Điện ảnh tổ chức. Bên cạnh đó, các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng địa phương tiếp tục trình chiếu phục vụ nhân dân các phim truyện: Đường xuyên rừng, Những người viết huyền thoại, Sống cùng lịch sử, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùi cỏ cháy, Đường thư, Đừng đốt, Ngã ba Đồng Lộc, Vào Nam ra Bắc…; và các phim tài liệu: 70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng, Vài hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Bác Hồ với nông dân, Đường tới Độc lập, tự do, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Đỉnh cao chiến thắng…
* Ngày 19-8 tại TP Ninh Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức trao Bằng công nhận Người có công với cách mạng tặng 901 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, số cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa đã hy sinh và mất là 784 đồng chí, chỉ còn 117 người, trong đó, cán bộ lão thành cách mạng là 83 người, cán bộ tiền khởi nghĩa là 34 người. Những cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa ở Ninh Bình đã hy sinh và mất thì thân nhân của họ được thay mặt nhận Bằng công nhận Người có công với cách mạng.
* Ngày 19-8, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên”, với sự tham gia của nhiều khách mời thuộc các thế hệ trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tinh thần yêu nước, xả thân vì Tổ quốc của các thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời, nhiều bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện thể hiện trách nhiệm, quyết tâm sống và cống hiến sao cho xứng đáng với thế hệ cha ông, góp ý những giải pháp để xây dựng, củng cố phát triển tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng.
* “Huế những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945” là chủ đề của triển lãm do Bảo tàng Văn hóa Huế khai mạc ngày 19-8. Triển lãm trưng bày 50 hình ảnh tư liệu, 10 hiện vật và 15 cuốn tài liệu, sách, hồi ký viết về Cách mạng Tháng Tám ở Huế, thể hiện ba giai đoạn chính: chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, khởi nghĩa giành chính quyền và lòng dân sau Cách mạng Tháng Tám. Nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, như: vũ khí nhân dân Huế sử dụng trong Cách mạng Tháng Tám; Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in ấn và phát hành tại Huế; hình ảnh đầm Cầu Hai – địa điểm diễn ra hội nghị Việt Minh của tỉnh, với tên gọi Nguyễn Tri Phương mở rộng, từ ngày 23 đến 25-5-1945, đánh dấu bước chuyển biến có tính chất quyết định đối với phong trào cách mạng tại Thừa Thiên-Huế.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()