Tri ân các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại trại giam Chi khu An Phước
Sau hơn bốn tháng, Đội K92 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang đã tìm kiếm được sáu bộ hài cốt tập thể và 20 bộ hài cốt cá nhân của các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại trại giam Chi khu An Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 6-12, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hài cốt các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Thuận.Trong cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, vùng U Minh Thượng luôn là căn cứ cách mạng và là vùng kháng chiến của quân và dân ta. Với tầm quan trọng và vị trí chiến lược của khu vực này, năm 1955, sau khi tiếp quản khu vực tập kết Vàm Chắc Băng, chính quyền ác ôn, độc tài Ngô Đình Diệm đã thành lập Đặc khu An Phước, gồm ba huyện: Phước Long, An Biên, Thới Bình và bổ nhiệm tên thiếu tá ác ôn Lâm Quang Phòng làm Đặc khu trưởng, kiêm Quận trưởng An Phước.Từ năm 1955-1958, Đặc khu An Phước đã tập trung lực lượng đàn...
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, vùng U Minh Thượng luôn là căn cứ cách mạng và là vùng kháng chiến của quân và dân ta. Với tầm quan trọng và vị trí chiến lược của khu vực này, năm 1955, sau khi tiếp quản khu vực tập kết Vàm Chắc Băng, chính quyền ác ôn, độc tài Ngô Đình Diệm đã thành lập Đặc khu An Phước, gồm ba huyện: Phước Long, An Biên, Thới Bình và bổ nhiệm tên thiếu tá ác ôn Lâm Quang Phòng làm Đặc khu trưởng, kiêm Quận trưởng An Phước.
Từ năm 1955-1958, Đặc khu An Phước đã tập trung lực lượng đàn áp phong trào cách mạng; tìm mọi cách tách đảng viên, cán bộ ra khỏi quần chúng để hòng dễ bề đánh phá cơ sở cách mạng, tiêu diệt cơ sở Đảng. Bọn chúng mở nhiều đợt càn quét lớn nhỏ, kết hợp với cả quân chủ lực càn vào xóm, ấp, đốt nhà, cướp của, bắt giết, hãm hiếp phụ nữ. Bọn chúng còn thành lập trại giam An Phước trên nền nhà cũ của địa chủ Ban Biện Phú.
Ông Ngô Văn Điệp, một thương binh ngụ tại ấp Vĩnh Đông 2, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận nhớ lại: “Phía sau trại giam có rất nhiều đìa lớn nhỏ và có rừng tràm trên 100ha. Xung quanh trại giam thành được đắp cao và có rào dây chì gai bao bọc”. Chỉ trong vòng khoảng ba năm (1955-1958), bọn địch đã bắt giam hơn 10 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước; trong số đó đã có hơn 1.500 người đã bị giết hại, bị vùi xác xung quanh khu vực này.
Theo những người còn sống sót kể lại: “Tại trại giam này, bọn ác ôn đã dùng mọi cực hình dã man để tra tấn, hòng làm lung lạc ý chí của những người cộng sản, những chiến sĩ yêu nước. Chúng cho người tù uống nước xà bông, uống nước vôi. Chúng treo ngược người tù lên nóc nhà, chạy điện hoặc nướng cây sắt đỏ đâm vào người cho đến chết… Hàng đêm, bọn chúng đem từ 5 đến 7 người tù ra xung quanh trại giam giết hại bằng nhiều hình thức dã man, tàn bạo, mạn rợ nhất như: chặt đầu, mổ bụng, moi gan, chôn sống, dùng hai cây xóc chéo ghim người xuống dưới đìa, bỏ người vào bao bố chỉ xanh buộc đá quăng xuống sông hoặc dí điện vào người cho đến chết rồi dập xuống hố. Bình quân mỗi hố, bọn chúng quẳng xuống từ 3 đến 5 người. Có những cuộc chúng tổ chức giết tập thể từ 30 đến 60 người và tất cả đều bị dập xuống hố… Tiếng la khóc thảm thiết, mùi hôi thối của xác người vứt xuống dòng sông Chắc Băng lan đi khắp vùng. Cảnh tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán, vợ xa chồng, con mất cha…thảm thiết cả một vùng rộng lớn.
Tại rừng tràm Ban Biên Phú, nơi được xem là “pháp trường trong bóng tối”, sự tàn khốc, sự chết chóc, đau thương sau hơn 50 năm ẩn sâu trong lòng đất nay lại hiện về làm nhói lòng nhiều người. Đại tá Ngô Long Dân, chỉ huy trực tiếp công tác khai quật, căm phẫn nói: “Giết người man rợ đã là tội ác. Nhưng khi chúng tôi tìm thấy những cọc tràm vạt nhọn mà bọn giết người dùng để gài xác, có những xác không còn đầu thì hành động này hơn cả tội ác!”.
Bà Võ Ngọc Thứ, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trong 20 bộ hài cốt được tìm thấy rải rác giống như mộ lẻ trong khuôn viên khu di tích, các xương còn tương đối đầy đủ, nhưng hầu hết không có xương sọ, chứng tỏ bọn ác ôn giết tù nhân bằng cách chặt đầu. Còn sáu gói hài cốt được lấy từ một hố chôn tập thể, không xác định được có bao nhiêu bộ hài cốt, vì không có thứ gì bọc gói, nên xương đã bị phân hủy trong đất, không thể phân loại để xác định. Tuy nhiên, theo những người còn sống sót tại đây, một hố chôn tập thể có thể lên đến từ 30 đến 60 người.
Ông Nguyễn Văn Cầu, nguyên Trưởng Công an xã Vĩnh Thuận năm 1954, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là thành viên Ban chỉ đạo viết sử của tỉnh và di tích tội ác rừng tràm Ban Biện Phú, thông tin: Những nhân chứng sống là tù binh, tù chính trị, quần chúng yêu nước đều đã cùng với Ban chỉ đạo viết sử của tỉnh kể lại, ghi lại. Tuy sự thật có thể chưa đầy đủ nhưng đã cho thấy sự thật về tội ác, sự man rợ của Mỹ Diệm. Thời gian qua, đã có nhiều gia đình thân nhân của liệt sĩ khu di tích rừng tràm Ban Biên Phú ở các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long liên hệ với tỉnh Kiên Giang xin được bốc nắm đất nơi đây có hài cốt của người thân đem về quê an táng làm mộ giả để tưởng nhớ.
Bà Sáu Mai đã khóc nức khi sức khỏe không đáp ứng để đi dự lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ. Cha của bà là ông Nguyễn Văn Ta, bị Lâm Quang Phòng bắt cùng sáu người khác vào tháng 5-1955, khi ông ở lại miền Nam làm Trưởng Ty Canh nông tỉnh Rạch Giá. Sau khi dụ hàng không được, Lâm Quang Phòng đã cho thuộc hạ chôn sống ông Nguyễn Văn Ta cùng năm người khác. “Gia đình tôi đã làm một ngôi mộ tượng trưng, có nắm đất bốc từ rừng tràm Ban Biện Phú. Sức khỏe tôi yếu quá, không đi dự lễ truy điệu được, nhưng cháu tôi Đặng Công Huẩn sẽ thay tôi thắp hương cho ông ngoại”.
Tại lễ truy điệu, đồng chí Đặng Công Huẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xúc động: “Trại giam Chi khu An Phước là lò sát sinh. Người bị bắt ở đây hầu như không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Xác người vùi chôn trong đám tràm Ban Biện Phú hoặc bị dùng cây tràm cài dưới đáy ở các đìa lớn nhỏ… Dù phải chịu mọi cực hình tra tấn dã man, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhưng với tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, một dạ sắt son trung thành với Đảng, với nhân dân, những chiến sĩ cộng sản đã kiên quyết không đầu hàng, không khai báo. Các anh hùng, liệt sĩ luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, vẫn hiên ngang trước kẻ thù với tư thế của người chiến thắng”.
Trong bầu không khí thiêng liêng, khói hương nghi ngút, hàng nghìn cán bộ, đoàn viên và nhân dân đã dành một phút mặc niệm để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Một đoàn viên ưu tú của huyện Vĩnh Thuận đã bộc bạch: “Các anh mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần quốc tế cao cả, tinh thần chiến đấu anh dũng quật cường trước kẻ thù xâm lược. Các anh hãy yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Chúng tôi sẽ quyết tâm ra sức lao động, học tập và cống hiến, nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()