Tri ân bằng những việc làm thiết thực
Tham gia “xây dựng nông thôn mới”, trao tặng “ngôi nhà 100 đồng”, chăm sóc, nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là những hoạt động tri ân thể hiện mối ân tình sâu nặng, thiết thực của Học viện Hậu cần mỗi dịp cuối năm.
Ấm áp những ngôi nhà “100 đồng”
Hơn nửa đời người, nhưng bà Đặng Thị Nái ở thôn Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng không ngờ mình có được ngày vui như hôm nay. Đó là ngày gia đình bà Nái chuyển từ ngôi nhà tranh vách đất sang căn nhà cấp bốn kiên cố rộng gần 40 m2 vừa mới được Học viện Hậu cần xây cất trao tặng bà. “Tôi chỉ biết cảm ơn các anh bộ đội đã cho tôi có căn nhà mới che mưa, che nắng lúc về già. Tết năm nay nhà tôi sẽ mời cả làng đến cho đông vui”, bà Nái không khỏi xúc động tâm sự. Trong lễ khánh thành, còn có lãnh đạo chỉ huy Học viện Hậu cần ghé thăm.
Trao tặng “ngôi nhà 100 đồng” cho bà Đặng Thị Nái.
Bà Nái là em dâu của liệt sĩ, gia đình có hai vợ chồng và ba người con, cuộc sống vô cùng khó khăn, lại thường xuyên ốm đau bệnh tật. Biết được tình hình đó, chương trình “Ngôi nhà 100 đồng” của Học viện Hậu cần đã góp quỹ được hơn 60 triệu đồng, xây dựng, trao tay ngôi nhà mới cho gia đình bà Nái.
Trung tá Hà Trung Hiếu, Trưởng ban Thanh niên, Học viện Hậu cần cho biết: “Ý tưởng ngôi nhà 100 đồng ra đời từ ba năm nay. Chỉ bằng việc tiết kiệm 100 đồng/ngày trên tinh thần tự nguyện, chia sẻ, suốt ba năm qua, các cán bộ, đoàn viên, thanh niên Học viện Hậu cần đã gây được quỹ trao tặng được ba “Ngôi nhà 100 đồng”, giúp cho các gia đình chính sách, neo đơn, hoàn cảnh khó khăn có được tổ ấm thực sự”.
Trước ngôi nhà của bà Nái, Học viện Hậu cần đã tổ chức khởi công xây nhà tình nghĩa tặng gia đình bà Triệu Thị Thinh, là mẹ của liệt sĩ Ma Văn Huấn, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn nhà được đầu tư xây dựng với kinh phí 60 triệu đồng.
Mẹ Triệu Thị Thinh hiện thuộc hộ đặc biệt khó khăn, đang sống cùng một cháu nội 17 tuổi, ở thôn Ao Then, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Thôn Ao Then thuộc địa bàn của chương trình 135 của huyện. Trước đó, Học viện cũng đã xây dựng ngôi nhà trị giá trên 60 triệu đồng từ nguồn quỹ “Ngôi nhà 100 đồng” trao tặng mẹ Hoàng Thị Ngân, là vợ của liệt sĩ Lưu Tiến Dung hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Được biết, trong hành trình về nguồn không chỉ trao tặng ngôi nhà 100 đồng mà kèm theo là nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hiến máu nhân đạo, tổng vệ sinh công cộng, thu hoạch mùa màng, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nòng cốt là các bạn trẻ học viên, sinh viên hệ quân sự và dân sự của Học viện Hậu cần.
Về nguồn “chia lửa ấm”
Một ngày cuối năm, chúng tôi theo đoàn văn công Học viện Hậu cần về bản Khuôn Lồng, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nơi tiền thân ra đời của Học viện Hậu cần. Cái lạnh giữa núi rừng Tây Bắc như buốt hơn khi đêm xuống. Vậy nhưng khi biết tin đoàn văn công Học viện về diễn, từ sớm bà con trong bản Khuôn Lồng đã tụ tập đông đủ tại sân trường tiểu học Yên Đổ.
Chị Ma Thị Hà, 30 tuổi, ở bản Khuôn Lồng tâm sự: “Lần nào có đoàn văn công Học viện về tôi cũng đều bồng con đi xem. Con bé nhà tôi thích lắm cứ bắt mẹ đưa đi cho bằng được. Mỗi khi có đoàn về, bản mình vui hẳn lên”.
Lần đầu tiên “về nguồn”, chị Hà Thúy Anh, giảng viên Học viện Hậu cần, thành viên đội văn nghệ chia sẻ: “Hôm nay tôi tham gia múa bài Tình yêu bên suối, lần đầu tiên được về nơi tiền thân của Học viện, ai cũng mong muốn sẽ hát thật hay, múa thật dẻo để phục vụ bà con”.
Đáp lại là những tiết mục của xã Yên Đỗ ca ngợi Bộ đội Cụ Hồ. Các tiết mục khép lại, dù hay dù dở nhưng đọng lại là những tràng pháo tay không ngớt của bà con.
Tại buổi giao lưu ông Ma Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã Yên Đổ cho biết: “Yên Đổ là địa phương khó khăn, những năm qua chia sẻ với những khó khăn của bà con, Học viện Hậu cần thường xuyên hướng về nguồn cội ủng hộ, gây dựng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân bản. Mối đoàn kết thân tình giữa Học viện Hậu cần và địa phương ngày một keo sơn, gắn bó”.
Lời nói của ông Mến là có cơ sở. Lúc tiễn biệt, chúng tôi đi trên những con đường làng, thôn xóm sạch sẽ, phong quang, đồng bào ra chào tiễn biệt tận từng xe. Đồng chí Thiếu tá Phan Kim Toàn, Trợ lý Tuyên huấn Học viện Hậu cần chia sẻ rằng, đi với đoàn trước một ngày còn có các bạn trẻ đoàn viên thanh niên lên từ sớm để phát quang, làm đường, tư sửa nghĩa trang Yên Đổ … Năm vừa qua, cùng với phong trào “Thanh niên quân đội xây dựng nông thôn mới”, học viện đã cử hàng trăm đoàn viên thanh niên về Yên Đổ cùng chung sức người dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội địa phương, nâng cấp sửa chữa đường giao thông, trường học, chăm sóc, khám sức khỏe cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm đối tượng, tặng máy vi tính cho địa phương. Nhờ vậy các trường học không còn dột nát, nắng chiếu, đồng bào tiếp cận với máy vi tính, internet, các em học sinh có thêm điều kiện học tập.
Bạn Nguyễn Phương Lan, một thành viên đội văn nghệ Học viện chia sẻ: “Về nguồn ngày cuối năm với tôi rất ý nghĩa. Chúng tôi biết được nơi đã nuôi dưỡng, sinh thành ra mái trường của mình. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ luôn biết ơn thế hệ cha anh đấu tranh hy sinh, để chúng tôi có được ngày hôm nay”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()