Trên quê hương Xô-viết Nghệ Tĩnh
Đảng bộ và nhân dân Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2005-2010) với nhiều thuận lợi trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Một số định hướng lớn do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra được khẳng định rõ hơn sau khi có Kết luận 20-KL/TW, Nghị quyết 37-NQ/TW, 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và một số chương trình, đề án lớn được Chính phủ phê duyệt như phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An, phát triển TP Vinh trở thành Trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ. Mặt khác, những thành tựu được tích lũy từ những năm trước đã tạo thế và lực cho sự phát triển của tỉnh lên tầm vóc mới.Tìm hướng phá thế thuần nôngThể hiện rõ nhất sự phát triển của tỉnh là kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2005-2010 đạt 9,54%. GDP bình quân đạt...
Tìm hướng phá thế thuần nông
Thể hiện rõ nhất sự phát triển của tỉnh là kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2005-2010 đạt 9,54%. GDP bình quân đạt 13,85 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2,4 lần so đầu nhiệm kỳ. Vốn là một tỉnh thuần nông, điều đáng mừng nhất là cơ cấu kinh tế của Nghệ An bước đầu chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 34,41% năm 2005 xuống 28,87%, trong khi đó tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ 29,30% lên 33,47% và tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 36,29% lên 37,66% năm 2010.
Để tạo đà cho lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã tập trung quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp ở Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, khu công nghiệp nhỏ. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng khá, bình quân 5 năm đạt 15,13%… Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là giao thông, đô thị. Quy hoạch và phát triển đô thị có tính đến năm 2020, TP Vinh được công nhận đô thị loại I, Thị xã Cửa Lò đạt đô thị loại III; quy hoạch, xây dựng thành lập thị xã Thái Hoà, chuẩn bị thành lập thị xã Hoàng Mai, Con Cuông; nhiều thị trấn, trung tâm của các huyện được quy hoạch, xây dựng và nâng cấp; nhiều khu đô thị mới được hình thành và phát triển; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chú trọng đầu tư hạ tầng để phát triển công nghiệp và quy hoạch phát triển đô thị sẽ giúp Nghệ An tạo được hệ thống thị tứ làm các điểm nhấn cho phát triển công nghiệp và dịch vụ cho từng khu vực.
Dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, rộng khắp trên các lĩnh vực, vùng miền, một số ngành có tốc độ phát triển cao hơn mục tiêu nghị quyết: Giá trị sản xuất dịch vụ tăng bình quân 5 năm đạt 13,47%/mục tiêu nghị quyết từ 11 đến 12%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 22,90%/mục tiêu từ 20 đến 25%. Các ngành, dịch vụ khác, như: Vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng… phát triển nhanh, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra.. Mức thu ngân sách cũng có sự chuyển biến rõ nét và tăng đều theo hằng năm. Năm 2010, ước đạt 4.700 đến 5.000 tỷ đồng, tăng hơn ba lần so đầu nhiệm kỳ…
Nâng cao đời sống nhân dân
Mục đích cuối cùng của sự phát triển kinh tế là quay lại phục vụ con người, Nghệ An đã xây dựng được những nền tảng cơ bản về kinh tế cho sự phát triển những năm tiếp theo. Nhưng điều trăn trở của các đồng chí lãnh đạo tỉnh là làm sao để cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân phải ngày một tốt hơn. Dù đã có bước chuyển biến nhiều mặt, nhưng nhìn chung Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo. Cái mà Nghệ An luôn tự hào, đó là giàu về truyền thống, giàu về sức người. Người xứ Nghệ học giỏi và chịu khó nổi tiếng xưa nay. Vấn đề là truyền thống và sức mạnh về con người phải tạo thành sức mạnh để tỉnh phát triển hơn nữa.
Những con số thống kê về các mặt trong lĩnh vực văn hóa xã hội đã phản ánh nỗ lực của tỉnh trong việc chăm lo đời sống nhân dân. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện được nâng lên; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, đỗ cao đẳng, đại học, số học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia năm sau cao hơn năm trước; quy hoạch, xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được nâng lên; đạt mục tiêu 20/20 huyện, thành, thị được công nhận phổ cập THCS, 100% xã có trường mầm non; cơ bản hoàn thành chương trình nâng cấp các trường trung cấp lên cao đẳng và đại học. Khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng một số trường đại học, các cơ sở đào tạo chất lượng cao để xây dựng Vinh và Cửa Lò thành trung tâm đào tạo, dạy nghề vùng Bắc Trung Bộ…
Công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo theo đà phát triển kinh tế cũng đạt kết quả khá cao. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/CP. Tạo việc làm cho hơn 34 nghìn người/năm; tỷ lệ người thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 5,5% xuống còn 3,55%; bình quân mỗi năm giảm được 12.000 đến 14.000 hộ nghèo, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 14,5%, vượt mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ.
Xây dựng nhiều dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Năm 2010 ước đạt 80% gia đình được công nhận gia đình văn hóa/mục tiêu 80 đến 85%; 47% làng, bản, khối phố văn hóa/mục tiêu 45 đến 50%; 100% số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, trong đó thiết chế đạt chuẩn quốc gia là 50%. Hệ thống phát thanh truyền hình các cấp được tăng cường về cơ sở vật chất, đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng hoạt động.
Nhìn rõ yếu kém để khắc phục
Trong những ngày về Nghệ An, lắng nghe ý kiến các cấp, các ngành và tâm tư nguyện vọng của người dân, chúng tôi thấy rõ một điều là người dân Nghệ An rất cầu thị, biết nhìn rõ những hạn chế để vượt khó. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất thẳng thắn khi thừa nhận việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư đạt hiệu quả chưa cao. Chưa có những nguồn thu ngân sách lớn và bền vững. Thu hút đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; dự án lớn mang tính đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh còn ít. Một số dự án trọng điểm kéo dài, chậm phát huy hiệu quả… Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm hạn chế. Quản lý quy hoạch, đất đai và môi trường ở một số nơi chưa tốt. Quản lý hoạt động khoáng sản có nhiều yếu kém; hiệu quả khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản còn thấp. Mức sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu vùng xa còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh chỉ bằng 70% mức bình quân chung cả nước. Sức ép về lao động thiếu việc làm còn lớn. Điểm mấu chốt ở đây là phải đổi mới phương thức lãnh đạo và phát huy vai trò của tổ chức Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Công tác tư tưởng phải được quan tâm đúng mức, tạo sự chuyển biến cả về bề rộng và chiều sâu để nắm bắt dư luận xã hội, chủ động dự báo và định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và các tầng lớp nhân dân khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng phải được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ mới, nhất là vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở một số cơ quan, doanh nghiệp phải được phát huy tốt hơn nữa. Nói phải đi đôi với làm và phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng.
Trong hoạt động của chính quyền, lấy cải cách hành chính, công khai minh bạch và đơn giản thủ tục hành chính làm điểm đột phá. Giải quyết tốt vấn đề này nghĩa là giảm bớt sự phiền hà, nhũng nhiễu và hạn chế môi trường cho tham nhũng phát triển. Đồng thời, khoảng cách của người dân và doanh nghiệp với chính quyền cũng gần hơn, chính quyền đúng nghĩa là của dân, do dân và vì dân hơn.
Đánh giá công bằng, công khai những mặt được và chưa được của giai đoạn 2005-2010, Đảng bộ và chính quyền Nghệ An đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho sự phát triển những năm tiếp theo. Đó là phải thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bảo đảm các nguyên tắc xây dựng đảng, thật sự phát huy dân chủ, nói đi đôi với làm; kỷ luật, kỷ cương; đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm nền tảng cho sự nhất trí, đồng thuận trong xã hội. Phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương. Việc ban hành các chủ trương, chính sách phải trên cơ sở khoa học, thực tiễn và bảo đảm tính khả thi cao. Chú trọng công tác dự báo, kịp thời điều chỉnh, đề ra các giải pháp phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn với đề cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, 'nói đi đôi với làm' của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Chăm lo, củng cố đoàn kết nội bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền; làm tốt công tác dân vận thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, các địa phương, người Nghệ An trong và ngoài nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()