Trên quê hương 18 thôn vườn trầu
Huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp được xem là cái nôi cách mạng của Nam Kỳ. Nơi đây, còn được biết đến với tên gọi nổi tiếng 18 thôn vườn trầu, là địa chỉ đã chứng kiến và trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử đấu tranh giành độc lập cùng lịch sử dân tộc. Ngày nay, nhân dân Hóc Môn đã có những bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Cùng với phong trào đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn cũng diễn ra sôi nổi qua nhiều thời kỳ. Phong trào đó đã được nhen nhóm và sôi sục ngay khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược thành Gia Định (năm 1859), nhân dân 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn – Bà Điểm) đã cùng nhân dân Bến Nghé (Sài Gòn), Gia Định đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Phong trào cách mạng của nhân dân Hóc Môn càng lên cao ở trong các giai đoạn cách mạng 1930 – 1931; 1936-1939, đặc biệt là Hóc Môn – Bà Điểm đã trở thành căn cứ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. 69 năm trước, rạng sáng 25-8-1945, hàng vạn quần chúng Hóc Môn, Bà Điểm, Gò Vấp kéo xuống Sài Gòn. Tới nơi, đoàn người gặp các đoàn khác từ Nhà Bè, Trung Quận, Lái Thiêu, Chợ Lớn, Tân An… cùng nhân dân thành phố tham gia mít-tinh, tuần hành. Trong các ngày từ 26 đến 28-8, các làng còn lại của Hóc Môn đều giành được chính quyền về tay nhân dân. Nhớ lại thời khắc lịch sử này, cán bộ lão thành Trương Thành Hỷ (ông Hai Hỷ), vẫn nhớ như in không khí cướp chính quyền. Cảm giác nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.
Nếu những người như ông Hai Hỷ, là những nhân chứng sống của vùng đất cách mạng Hóc Môn – Bà Điểm thì ngày nay, lớp lớp thế hệ trẻ, cháu con đã và đang kế tục và phát huy tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Hóc Môn ngày càng giàu mạnh, văn minh. Ông Mai Công Tài ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn là nông dân quanh năm vốn quen với ruộng đồng nhưng lại được nhiều người biết tới bởi ông là một “hướng dẫn viên, một nhà thuyết minh” lại lịch sử của Hóc Môn qua những hình ảnh, đồ vật quá khứ. Ông Tài biết nhiều chuyện xưa và nay nhất ở vùng đất Bà Điểm này.
Những câu chuyện ông kể dễ hiểu và thu hút người nghe. Khi Nhà truyền thống xã Bà Điểm ra đời, ông trở thành hướng dẫn viên tình nguyện đặc biệt. Với ông, được kể chuyện lịch sử cho con, cháu mình nghe là một hạnh phúc.
Hóc Môn ngày nay đã khác rất nhiều. Những con đường đất được trải nhựa, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng, hạ tầng giao thông được nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trung bình 17,8%, trong đó, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có xu hướng tăng, một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ nhằm tăng năng suất lao động và giá trị sản phẩm. Năm 2010, huyện đã thực hiện nhựa hóa hơn 100 km đường giao thông, vượt chỉ tiêu đề ra; thực hiện có hiệu quả phong trào hiến đất làm đường đối với người dân. Để giữ gìn và bảo tồn những giá trị lịch sử trong cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân trên địa bàn huyện, Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn luôn thực hiện hoạt động tôn tạo và phát huy có định hướng lâu dài. Thế hệ trẻ Hóc Môn ngày nay cũng đang nỗ lực để kế tục xứng đáng những giá trị truyền thống của vùng đất cách mạng 18 thôn vườn trầu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()