Trên đà vượt khó
LSO-Bằng sự nỗ lực, nhạy bén của các HTX và sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển.
Thu hoạch trứng gà tại HTX Thịnh Phương, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn |
Nỗ lực của HTX
Được thành lập từ năm 2006 với 7 thành viên, HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc hoạt động chủ yếu trong lĩnh trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Xác định rõ việc sản xuất manh mún không thể đem lại hiệu quả nên HTX đã không ngừng tìm tỏi, học hỏi. Đến năm 2011, HTX tìm cho mình một hướng phát triển đó là chăn nuôi lợn nái sinh sản. Thế nhưng, nghĩ được rồi, HTX lại gặp khó về vốn. “Gõ cửa” đủ chỗ nhưng vẫn không tiếp cận được vốn, có thời điểm, HTX đã phải tạm ngừng hoạt động.
Không chịu lùi bước, Ban quản trị, các thành viên tiếp tục tìm nguồn vốn bằng cách vận động, kết nạp thành viên. Đến năm 2013, vốn điều lệ của HTX nâng lên 20 tỷ đồng. Dự án được nghiên cứu và xây dựng tỉ mỉ nên khi có nguồn vốn, mô hình lợn nái phát triển nhanh chóng. Bà Lý Bích Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hợp Thịnh cho biết: Đến nay, tổng đàn lợn nái của HTX là 800 con và 1.000 con lợn thịt. Ngoài ra, HTX còn mở rộng sang một số lĩnh vực khác như: sản xuất phân hữu cơ quy mô 1.000 tấn/năm; trồng dược liệu với sản lượng 600 tấn dược liệu tươi/năm. Doanh thu của HTX, thu nhập của thành viên và người lao động tăng đều qua từng năm.
Cũng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất và thiếu cả thị trường tiêu thụ, thế nhưng, từng bước khắc phục những khó khăn đó, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương, thành phố Lạng Sơn đã từng bước vươn lên phát triển ổn định. Anh Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc HTX cho biết: Để khắc phục hạn chế đó, các thành viên HTX vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đối với “bài toán khó” về thị trường, không chỉ đem bán nấm, trứng gà ngoài chợ như trước, HTX đã chủ động tìm đến các nhà hàng, trường học để giới thiệu và tìm mối tiêu thụ. Từng bước ổn định, đến nay, lợi nhuận trung bình hằng năm của HTX đạt từ 100 – 200 triệu đồng.
Quan tâm của tỉnh
Cùng với sự nỗ lực của các HTX, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các HTX phát triển, trong những năm qua, tỉnh cũng đã triển khai những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Đối với khó khăn mà nhiều HTX gặp phải về vốn, năm 2014, tỉnh đã thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX với vốn điều lệ là 3 tỷ đồng và đến nay, vốn điều lệ đã tăng lên 6 tỷ đồng với gần 20 lượt HTX được vay vốn. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh chỉ đạo phía ngân hàng tạo điều kiện để các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay…
Bên cạnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn, các ngành, các cấp còn tập trung hỗ trợ các HTX về tư liệu sản xuất như: đất đai, mặt nước, hỗ trợ cây, con giống trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thủy sản; tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để các HTX nông nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở cả trong và ngoài tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các HTX… Ngoài ra, năm 2017, Liên minh HTX tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn ký kết chương trình phối hợp về phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020. Qua đó, nhiều nội dung, cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ củng cố, phát triển các HTX nông nghiệp sẽ được triển khai.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của các HTX cũng như sự quan tâm của tỉnh, lĩnh vực kinh tế hợp tác nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng trên địa bàn đã có những chuyển biến đáng kể. Thời điểm tháng 9/2015, toàn tỉnh có 50 HTX nông nghiệp ngừng hoạt động và số HTX nông nghiệp còn hoạt động là 44 HTX thì đến nay, số HTX nông nghiệp ngừng hoạt động còn 16 HTX và số HTX đang hoạt động là 78 HTX. Số HTX ngừng hoạt động giảm qua từng năm và số HTX nông nghiệp hoạt động khá tốt tăng. Qua đó, các HTX nông nghiệp tiếp tục góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể chung trên địa bàn.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()