Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Trong giai đoạn từ 1992 – 2012, các tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ trùng tu di tích Cố đô Huế với số tiền 7.205.849 USD. Bắt đầu từ Quỹ Uỷ thác Nhật Bản thông qua UNESCO với số tiền 100.000 USD để trùng tu di tích Ngọ Môn từ năm 1992, từ đó đến nay, Nhật Bản luôn có các dự án hỗ trợ trùng tu di tích Cố đô Huế như: Đầu tư trang bị thiết bị cho kho cổ vật, trùng tu Hữu Tùng Tự (Lăng Minh Mạng), hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị Nhã nhạc Huế là Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại và dự án bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc Huế với số tiền lên tới gần 250.000 USD. Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài còn cử chuyên gia đến Huế tham gia công tác trùng tu di tích như Ba Lan cử các chuyên gia Xí nghiệp Bảo tồn Tài sản Văn hóa Ba Lan (PKZ) giúp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xử lý chống mối mọt và bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu, với số tiền 900.000 USD; Chính phủ nước CHDCND Lào gửi giúp 400 m3 gỗ lim phục vụ trùng tu di tích Huế. Đặc biệt, nhóm chuyên gia đến từ CHLB Đức đã giúp phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định vốn đã bị hư hại đạt kết quả khả quan. Trước đó, màu trên tranh ở đây đã bị bong tróc vì bề mặt vữa gốc của tường vỡ ra, một số khác bị quét các lớp vôi đè lên làm cho màu gốc bị phai mờ. Phương pháp mà các nhóm chuyên gia người Đức thực hiện trong quá trình phục hồi các bức tranh tường là nghiên cứu, phân tích các lớp sơn (vữa), thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi. Từ những kết quả thu thập được, việc phục hồi các bức tranh tường được thực hiện theo thứ tự các công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn (vữa) mỏng bằng keo polyacrylic, tiến đến chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường. Sau khi hoàn tất các công đoạn này, các chuyên gia sẽ dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo phương pháp kỹ thuật rigatino. Mới đây, việc sử dụng kỹ thuật này (vôi vữa truyền thống) còn được tiến hành trong việc phục hồi Bửu Thành Môn và Bình phong khu mộ thuộc lăng Tự Đức. Từ 1993 đến nay, Quỹ Toyota Nhật Bản còn tài trợ cho hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học của các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với kinh phí khoảng 100.000 USD. Các tổ chức như Fulbright Program, Ford Foundation (Hoa Kỳ), Đại học NewYork, Tập đoàn Rhone Polenc (Pháp), Japan Foundation, Đại học Waseda, JICA, ACCU (Nhật Bản), Korea Foundation… còn tài trợ cho cán bộ Trung tâm tham gia các chương trình đào tạo và khảo sát tại một số nước có kinh nghiệm về công tác quản lý và bảo tồn nhằm nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn di sản của đơn vị. Ông Phan Thanh Hải cho biết: Di tích Cố đô Huế có giá trị đặc thù, vì vậy, bảo tồn giá trị nguyên gốc và chân xác với vấn đề vật liệu, công cụ truyền thống trong trùng tu được đặt lên hàng đầu; trong đó các tiêu chuẩn về vật liệu, phương pháp thi công và tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm trùng tu phải được xác định trên cơ sở các tiêu chí khoa học, kỹ thuật để bảo đảm các chuẩn mực quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích. |
Ý kiến ()