Trẻ nhỏ bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh: Bài học cũ, nỗi đau mới
Tối 29/5, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ việc cháu bé ở Trường mầm non tư thục Hồng Nhung (thành phố Thái Bình) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón. Sự việc xảy ra ngay trước thềm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 gợi cho bao người những cảm giác xót xa.
Trên các diễn đàn xã hội, cư dân mạng đặt ra nhiều câu hỏi bởi có thể quên một tấm vé gửi xe, có thể đãng trí không nhớ chùm chìa khóa để đâu, chứ không thể bỏ quên một con người! Nhưng rồi sự việc đau lòng vẫn cứ xảy ra.
Anh bạn tôi làm trong ngành công thương nhắn tin lúc nửa đêm: “Từ hôm qua tới nay, mình chưa dám đọc một bài nào, chỉ dám đọc tiêu đề thôi. Quá thương tâm. Chảy nước mắt mỗi khi thấy những tiêu đề này”.
Lật lại quãng thời gian qua, đây không phải là vụ đầu tiên và duy nhất. Ngày 13/9/2019, cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh, bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh từ khoảng 8 giờ sáng đến hơn 15 giờ chiều cùng ngày mới phát hiện cháu còn trên xe. Rất may bé được cứu sống, còn cơ sở mầm non bị đình chỉ hoạt động.
Tiếp đó, ngày 9/9/2020, một học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (thành phố Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên xe đưa đón do ngủ quên trên xe, còn cô phụ trách quản lý học sinh cùng lái xe chủ quan không kiểm tra. Sau gần 1 tiếng học sinh này tỉnh dậy và tự mở cửa xe đi vào trường. Nhà trường đã tổ chức họp khẩn, quyết định kỷ luật cô phụ trách quản lý học sinh và lái xe, đồng thời trực tiếp đến xin lỗi gia đình phụ huynh.
Nhưng có lẽ nhiều người không thể nào quên vụ bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, có cơ sở tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) vào ngày 6/8/2019. Cũng tương tự như vụ việc xảy ra tại thành phố Thái Bình vừa qua, bé trai 6 tuổi đã bị nhân viên phụ trách đưa đón bỏ quên suốt từ đầu giờ sáng đến gần 17 giờ chiều cùng ngày dẫn đến tử vong.
Sau đó, nhân viên phụ trách đưa đón học sinh, lái xe và cả giáo viên chủ nhiệm lớp học bị khởi tố và nhận những bản án thích đáng do chủ quan, vô ý và cẩu thả trong theo dõi, quản lý học sinh trong quá trình di chuyển trên xe ô-tô tới trường học tập.
Vụ cháu bé Trường mầm non Hồng Nhung ở thành phố Thái Bình tử vong khi bị bỏ quên trên xe ô-tô ngày 29/5 vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông đáng báo động về sự tắc trách, bàng quan, thiếu trách nhiệm của một bộ phận giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc đưa đón trẻ đến trường.
Trao đổi bên lề Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, một số đại biểu Quốc hội khẳng định: Cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Riêng đối với xe đưa đón học sinh, bên cạnh các quy định về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật của xe, các cơ sở giáo dục cần rà soát lại quy trình đưa đón, quản lý học sinh chặt chẽ hơn để bảo đảm môi trường thực sự an toàn khi đến trường.
Bà Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu ý kiến: Đề xuất xe đưa đón học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe. Ngoài ra, xe chở học sinh phải được thống nhất một màu sơn riêng để dễ nhận biết, phải có lối thoát hiểm để bảo đảm an toàn trong tình huống khẩn cấp. Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/giờ…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) bộc bạch: Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm an toàn cho học sinh. “Nhà trường vốn được coi là môi trường an toàn nhất cho con trẻ mà bây giờ lại xảy ra rất nhiều các vụ việc thương tâm. Tôi thấy đây cũng là tình trạng rất báo động”.
Có một thực tế, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non tại nhiều địa phương được đẩy mạnh, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập được thành lập đã góp phần nâng tỷ lệ đưa trẻ trong độ tuổi đến trường đạt cao hơn so với thời gian trước.
Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố đang tiến hành xã hội hóa một cách ồ ạt, dẫn đến có không ít tổ chức, cá nhân coi đây là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác, kinh doanh, thu lời. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập không phải làm trong ngành giáo dục, không am hiểu, không có chuyên môn quản lý lĩnh vực đặc thù này, nên tất cả đều phó mặc cho những người “làm thuê” cho mình. Đây là điều hết sức nguy hiểm và sẽ còn tiếp tục kéo theo những hệ lụy khác khó tránh khỏi, nhất là trong môi trường giáo dục khá nhạy cảm hiện nay.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau sự việc ở Thái Bình đã có những phản hồi đầu tiên, trong đó nhấn mạnh: Trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón là vụ việc nghiêm trọng. Được biết, ngay trong ngày 30/5, Bộ yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình báo cáo thông tin sự việc; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành những công việc cần thiết để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình và nhà trường động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình cháu bé, cũng như thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại trường mầm non Hồng Nhung và các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn.
Đối với tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Khắc Thận trong ngày 30/5 đã ban hành ngay công văn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời chấn chỉnh hoạt động đưa đón trẻ khi đến trường.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình; kiên quyết xử lý, đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các trường hợp trông giữ trẻ không phép; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy chế chuyên môn đối với hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô-tô lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định. Lái xe phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô-tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm giữa các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh.
Ý kiến ()