Trẻ nghỉ học tránh Covid-19: Cẩn trọng với tai nạn thường gặp
(LSO) – Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh trên cả nước phải nghỉ học dài ngày. Trong quá trình nghỉ học ở nhà, nhiều học sinh do hiếu động, thiếu kỹ năng đã bị tai nạn thương tích. Các chuyên gia y tế khuyến cáo: bên cạnh việc giáo dục trẻ phương pháp giữ vệ sinh phòng dịch, cũng cần chú trọng phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ.
Chiều 13/3/2020, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận trường hợp cháu Triệu Thanh H, 4 tuổi, học lớp 4 tuổi ở phân trường Mầm non Mẫu Sơn, thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị mất 2 đốt của các ngón: giữa, áp út và 3 đốt của ngón út bàn tay trái. Nguyên nhân là do khi bố mẹ đi lên nương, cháu ở nhà một mình nghịch máy thái rau lợn.
Một trường hợp khác bị bỏng nặng là trường hợp của bé gái Hoàng Thị L, 7 tuổi, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học xã Bình Trung, huyện Cao Lộc. Chiều 3/2/2020, trong lúc cháu lấy nước ở phích uống chẳng may bị phích nước sôi đổ vào người gây bỏng độ 3 ở phần bụng và đùi chân phải.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn chăm sóc cho bé Triệu Thanh H, 4 tuổi (thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình)
Gần đây nhất, ngày 16/3/2020 là trường hợp của cháu Lộc Hoa H, 2 tuổi, học lớp mầm non 2 tuổi, Trường Mầm non xã Tràng Các, huyện Văn Quan cũng bị bỏng cấp độ 3, độ 4 ở 2 bàn chân. Nguyên nhân là do trước đó, cháu làm đổ ấm nước siêu tốc đang đun sôi vào chân.
Bác sỹ Hoàng Mạnh Cương, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 42 ca trẻ em bị tai nạn giao thông và 82 ca bị tai nạn sinh hoạt như: bỏng, ngã, nuốt dị vật, bị các vật sắc nhọn gây tổn thương…Các bệnh nhân chủ yếu từ 2 đến dưới 16 tuổi.
Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo các gia đình phải chủ động phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, các em tiếp tục phải nghỉ học ở nhà thêm một thời gian dài.
Để tránh tai nạn gây thương tích cho trẻ, Bác sỹ Trần Tuấn Việt, Khoa chấn thương – bỏng, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn khuyến cáo: Tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường xảy đến bất ngờ, khó lường. Ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Vì vậy phụ huynh hãy đảm bảo luôn có người trông giúp trẻ, nhất là những trẻ nhỏ hiếu động, chưa nhận thức được rủi ro. Nếu để trẻ tự trông nhau, phải đảm bảo trẻ lớn nhất có đủ khả năng và sự quan tâm để trông em. Phụ huynh cần dặn dò kỹ những điều nên và không nên, dạy trẻ cách liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp. Không để những vật sắc nhọn, nước sôi, chất dễ gây cháy trong tầm với của trẻ. Không để trẻ ở gần nơi có điện hay hồ bơi, thùng chứa nước mà không có người quan sát…
Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của người lớn là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tránh tai nạn thương tích trong những ngày nghỉ để phòng dịch.
Ý kiến ()