Thứ 4, 06/11/2024 01:52 [(GMT +7)]
Trẻ mầm non thị trấn Đình Lập: Cần lắm một ngôi trường khang trang
Thứ 3, 24/08/2010 | 09:18:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Những dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng, nền, tường các lớp học bị bong tróc từng mảng lớn, mái nhà cũ kỹ dột nát… không đảm bảo cho công tác dạy và học. Thầy và trò Trường mầm non thị trấn Đình Lập đang rất cần một ngôi trường khang trang.
Trường Mầm non thị trấn Đình Lập hiện có 11 lớp học, với 4 nhóm trẻ và 7 lớp mẫu giáo, được chia làm 2 khu nhà trẻ và mẫu giáo. Trong đó, khu nhà trẻ được xây dựng vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, khu mẫu giáo xây dựng từ năm 1994, qua nhiều năm sử dụng, hiện nay các lớp học đều đã hư hỏng. Mái ngói cũ kỹ, mục vỡ đã dột nhiều chỗ, trần nhà hầu như đều mục nát; trên các bức tường, vôi vữa đã bong tróc từng mảng lớn lộ ra lớp gạch bên trong; dưới nền một số lớp học nhiều viên gạch đã bị bật lên, vỡ nham nhở. Các cánh cửa hầu hết đã mục nát, rơi, hỏng; nhiều chỗ trên sân trường ghồ ghề, mấp mô, các em nhỏ lại hiếu động, không chú ý quan sát đường nên rất dễ vấp ngã. Vừa qua, trường đã được huyện quan tâm đầu tư sửa chữa lại 6 phòng học bị hư hỏng nặng, tuy nhiên, việc sửa chữa này chỉ mang tính tạm thời, không thể đảm bảo yêu cầu dạy và học cho giáo viên cũng như học sinh trong thời gian lâu dài. Bên cạnh những hư hỏng, diện tích các phòng học cũng không còn phù hợp, hiện nay, lớp nhỏ nhất chỉ khoảng 12 m2, rộng nhất là 30 m2, trong khi đó, những lớp học này thường xuyên có từ 18 đến 36 trẻ học tập. Theo tiêu chuẩn, trường mầm non tại khu vực nông thôn tối thiểu phải đạt diện tích 10 m2/ trẻ. Năm học vừa qua trường có 260 trẻ học tập và sinh hoạt trong tổng diện tích là 1.500 m2, như vậy mỗi trẻ chỉ được vui chơi, học tập, ăn, ngủ trong 5,76 m2, mới chỉ bằng ½ so với tiêu chuẩn.
Các cháu lớp mầm non thị trấn Đình Lập trong giờ học xếp hình |
Cô Lý Thị Yêu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do không có nhà vệ sinh khép kín, phòng ăn, phòng ngủ riêng nên các cô nuôi dạy trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc các cháu. Hàng ngày, hết giờ học giáo viên phải thu dọn dụng cụ học tập để lấy chỗ xếp bàn ghế chuẩn bị bữa ăn, sau đó lại dọn dẹp kê phản cho các cháu ngủ. Tất cả những công việc này đều diễn ra trong không gian chật hẹp của các lớp học do đó, phải làm thật nhanh để không ảnh hưởng đến các cháu. Bên cạnh đó, các phòng chức năng đều dành cho học sinh nên tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường phải làm việc chung tại 2 căn phòng vẻn vẹn hơn chục mét vuông. Một số giáo viên còn cho biết thêm, những lúc có mưa lớn, các cô phải huy động xô, chậu để hứng nước từ những chỗ bị dột. Nhiều phụ huynh lo lớp học ướt át ảnh hưởng đến sức khoẻ con em họ nên phải đến đón con giữa buổi, hoặc thấy có mưa thì để các em ở nhà. Không chỉ có trường lớp học xuống cấp, đồ chơi ngoài trời cho trẻ cũng nghèo nàn, chỉ có một vài chiếc cầu trượt, bập bênh, khoảng trống không có nên kê rất sát nhau làm hạn chế các hoạt động vui chơi. Phương tiện phục vụ giảng dạy còn thiếu như: đàn piano, hệ thống máy chiếu, máy vi tính để cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học hiện nay vẫn chưa được trang bị.
Trường Mầm non thị trấn Đình Lập mỗi năm nuôi dạy từ 260 đến 270 trẻ, trên thực tế số trẻ trong độ tuổi mầm non có nhu cầu học tập tại trường còn rất lớn, tuy nhiên với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay trường không thể đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn. Đầu tư cho thế hệ măng non chính là đầu tư cho tương lai, chính vì vậy, các cơ quan, ban, ngành huyện Đình Lập cần có sự quan tâm, vào cuộc để trẻ có điều kiện học tập, vui chơi phát triển toàn diện.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()