Trẻ mầm non Hữu Liên mong một mái trường
LSO-Đến Trường Mầm non xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, chúng tôi không khỏi giật mình khi cô giáo Hiệu trưởng Vi Thị Khiên đón và đưa chúng tôi vào ngồi nghỉ trong căn nhà gỗ dựng tạm lợp bằng prôximăng lụp xụp mà cô giới thiệu là phòng công vụ của nhà trường. Gần trưa, trong căn phòng nóng như lò nướng ngổn ngang đồ dùng và thiết bị giảng dạy. Cô giáo Khiên vừa loay hoay tìm chỗ để cắm điện bật quạt vừa tâm sự: các anh thông cảm, năm trước trường còn thêm một phòng công vụ nữa nhờ của trường tiểu học, nhưng do phòng đó cũng xuống cấp quá rồi nên trường chuyển đồ sang bên này để sửa sang lại đôi chút chuẩn bị cho năm học mới. Cũng may mà trưởng tiểu học nhường cho trường mầm non một phòng học cấp 4 làm văn phòng chứ không thì không có cả trụ sở.
![]() |
Các cô giáo ngồi cắt những tấm bìa cát-tông làm đồ dùng học tập cho học sinh |
Hiện tại, Trường Mầm non xã Hữu Liên có 276 trẻ từ 1 đến 5 tuổi với 7 phân trường và 13 lớp. Do địa bàn xã rộng, nhiều thôn cách trung tâm xã hàng chục km mà chỉ có thể đến được bằng cách đi bộ nên các phân trường cũng cách nhau khá xa. Số học sinh thì ngày một đông, nhu cầu gửi trẻ của các gia đình ngày càng tăng, thế nhưng từ năm 2007 đến nay, cô trò nhà trường luôn phải học nhờ, học tạm và thuê gầm các nhà sàn của dân hoặc các nhà văn hóa thôn, bản. Cô giáo Khiên cho biết: cũng như những năm trước, hiện tại trường đang có 3 phân trường nhờ nhà văn hóa thôn Làng Cóc, Làng Cườm, Làng Bên và 4 phân trường ở nhà dân, trong đó 2 điểm nhà trường phải thuê 200 nghìn đồng/tháng. Do phải nhờ, nên việc lớp học phải nghỉ đột xuất do gia đình hoặc thôn có việc là thường xuyên, phụ huynh đưa các cháu đến lại phải đưa về. Những gia đình ở gần thì không sao nhưng nhiều hộ cách xa điểm trường đến 5 km đưa con cháu đến lại đưa về rất vất vả, chưa kể những ngày mưa gió. Chị Triệu Thị Luận, thôn Tân Lai, có con học lớp 3 tuổi nghẹn ngào: đưa con đi mầm non thương lắm, học ở gầm nhà sàn, mùa hè thì nóng mà mùa đông giá rét, nhưng phải cho con đi học vì người lớn trong gia đình đều phải đi làm đồng, không có người trông, mà hơn nữa đi học để con nhanh biết đọc biết viết.
Chúng tôi đến thăm một lớp học tại thôn Là Ba. Đến nơi, dười gầm nhà sàn là 22 cháu lớp 4 tuổi đang cùng cô giáo ngồi xếp hình đọc chữ. Bên cạnh là 3 cô giáo đang loay hoay cắt những tấm bìa giấy cát-tông, thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, cô giáo Hoàng Thị Phượng nói: “Trường chúng em còn thiếu thốn nhiều lắm, ở lớp học này thì có nhà vệ sinh, nhưng các nhà văn hóa thôn mà nhà trường đang nhờ đều không có nhà vệ sinh, bọn em cắt giấy để làm bô cho các cháu đấy anh ạ”.
Khó khăn là thế, nhưng phải thừa nhận rằng, các cô giáo ở đây đã thật sự hết lòng vì các cháu. Năm học 2012-2013, trường có 12 cán bộ, giáo viên, so với yêu cầu thực tế còn thiếu 5 giáo viên. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trường cũng đã tổ chức được 4 lớp bán trú, 2 lớp 5 tuổi và 2 lớp từ 1 đến 2 tuổi. Cô giáo Bế Thị Nơi Hà Vy, người huyện Bắc Sơn tâm sự: đã gắn bó với trường được hơn 3 năm nhưng cô vẫn nhớ như in ngày mới vào phải đi hàng chục km để đến được trường nhưng khi nhìn thấy “cơ ngơi” của trường, cô đã lặng lẽ khóc thầm. Nhưng vì yêu nghề và hơn hết là thương các em nhỏ và được các bạn đồng nghiệp động viên,cô đã cùng mọi người vượt qua khó khăn để chăm lo cho các cháu”.
![]() |
Căn nhà công vụ của nhà trường |
Năm học mới đã đến, nghĩ đến hình ảnh cô trò Trường Mầm non Hữu Liên mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường sẽ sớm có được những lớp học khang trang, ấm cúng với đầy đủ những đồ dùng và trang thiết bị giảng dạy. Ông Hoàng Minh Luật, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: tháng 6 vừa qua, huyện đã phối hợp với xã giải quyết được khâu mặt bằng để xây dựng trường mầm non, nhưng hiện tại kinh phí chưa có, xã mong được tỉnh và huyện quan tâm hơn nữa để các cháu mầm non Hữu Liên có một môi trường học tập tốt hơn.

Ý kiến ()