Trẻ hóa tội phạm - hồi chuông báo động trong xã hội hiện đại
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang dư luận. Điều đáng nói là, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Để làm rõ hơn thực tế này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân).
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học |
Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian gần đây đã xảy ra 2 vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng gây chấn động dư luận. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Trong thời gian diễn ra 2 vụ trọng án ở Bình Phước và Nghệ An, tôi đã theo dõi rất sát công tác điều tra phá án cũng như những dư luận xung quanh 2 vụ thảm án này. Dưới góc độ là nhà nghiên cứu về tội phạm học, tôi cho rằng, đây là 2 vụ án đặc biệt nghiêm trọng với thủ đoạn rất táo bạo, liều lĩnh, thể hiện mức độ tàn bạo của hung thủ. Điều này cho thấy trách nhiệm đặt lên vai của các cơ quan phòng ngừa tội phạm là rất nặng nề, để làm sao những vụ trọng án như vậy không còn xảy ra trong thời gian tới.
PV: Không chỉ 2 vụ án vừa qua, một số vụ trọng án về giết người trước đây có một mẫu số chung là thủ phạm đều còn rất trẻ cũng như mức độ tàn bạo, máu lạnh của hành vi. Vậy thực tế, tình trạng này ở nước ta hiện nay như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) về tội phạm giết người từ năm 2010 – 2013 đã khẳng định, mặc dù đối tượng giết người rất đa dạng, nhưng số lượng phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đang chiếm tỷ lệ cao, trong đó, nhiều vụ thực hiện hành vi rất tàn bạo và có diễn biến rất phức tạp.
Nhìn nhận từ góc độ tội phạm học, chúng ta có thể đưa ra một số nguyên nhân cho tình trạng này. Trước hết, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có một mẫu số chung là lối sống ích kỷ, hiếu thắng và lối sống này lại được tác động bởi môi trường thiếu sự dạy dỗ, quản lý của người lớn, mà trước hết đó là cha mẹ, hoặc bản thân những người xung quanh cũng có hành vi vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật. Đây chính là những tấm gương xấu tác động đến nhân cách của các đối tượng này.
Đồng thời, khi ra ngoài xã hội, các đối tượng cũng thiếu sự quản lý, giáo dục của chính cộng đồng, ví dụ như: Thiếu sự quản lý của nhà trường, của môi trường xã hội… Họ tiếp xúc với lối sống thực dụng, thỏa mãn những nhu cầu vật chất tầm thường của mặt trái xã hội hiện đại. Chính vì vậy, khi không được thỏa mãn, các đối tượng sẽ sử dụng chính sự ích kỷ, hiếu thắng để thực hiện hành vi bạo lực có tính chất máu lạnh, có tính chất trả thù nhằm đạt được mục đích.
PV: Theo ông, vai trò của gia đình ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của các đối tượng phạm tội hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của con người nói chung và đối tượng phạm tội nói riêng. Nhiều vụ án mang tính bạo lực, trong đó có cố ý gây thương tích và giết người. Thủ phạm thường xuất thân từ những gia đình thiếu phương pháp giáo dục hoặc sai lầm về phương pháp giáo dục.
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm, trên 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự thì có tới 69% đối tượng rơi vào các gia đình có đầy đủ bố mẹ và điều kiện kinh tế khá giả. Vậy chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có hiện tượng này? Cuối cùng, chúng tôi tìm ra rằng, trong số 69% đó lại chiếm tới 70% là con một hoặc là con út trong gia đình. Điều này chỉ ra sự nuông chiều thái quá của gia đình, sự khuyến khích con cái hưởng thụ sớm của nhiều ông bố, bà mẹ đã vô tình khiến các em không có định hướng về phương pháp sống, dễ dàng sa ngã khi không được đáp ứng.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình vì mải làm ăn mà quên đi sự chăm sóc, quản lý con cái. Điều này khiến những đứa trẻ trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Chúng ta biết rằng, nhu cầu con người là nhu cầu giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với những người thân xung quanh. Ở đây, khi các em không được giao tiếp trong gia đình, tất yếu sẽ tìm đến mạng xã hội hay những kênh thông tin khác và vô tình bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ngoài xã hội vào nhân cách của mình.
PV: Bên cạnh các yếu tố gia đình, yếu tố xã hội với rất nhiều tác động như: Bạo lực, phim ảnh, game hay lối sống đề cao vật chất cũng đang ảnh hưởng rất nhiều tới xu hướng bạo lực trong giới trẻ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Có thể nói, xã hội cũng là một yếu tố có những tác động không nhỏ tới xu hướng bạo lực trong giới trẻ. Các em không có kỹ năng sống, trong khi những cám dỗ của xã hội hiện đại luôn thỏa mãn những nhu cầu từ quán game, quán bar, vũ trường… dẫn đến những đứa trẻ đó bị tha hóa về nhân cách. Đó là chưa kể các em bị ảnh hưởng từ chính những trò chơi, những bộ phim bạo lực, những thứ bắn giết, dẫn đến tình trạng chai lỳ về cảm xúc. Nguy hiểm hơn, có người học được thủ thuật từ chính những gì mà mình tiếp xúc và vận dụng chúng trong trường hợp cụ thể. Chính vì thế, đây là một vấn đề mà chúng ta cần gióng lên hồi chuông báo động trong thực tế xã hội hiện đại và điều này đặt ra bài toán cho các nhà quản lý cả vĩ mô và vi mô phải nghiên cứu để tìm ra câu trả lời.
PV: Sau nhiều sự việc diễn ra, có ý kiến cho rằng, chúng ta cần có những thay đổi trong hệ thống luật pháp để ngăn chặn tình trạng trẻ hóa trong các đối tượng phạm tội. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Pháp luật đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý xã hội cũng như phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, có quan điểm đang coi nhẹ những chế tài xử lý vi phạm hành chính cũng như hình sự và cho rằng, Việt Nam cần học tập các nước phát triển. Chúng ta cần lưu ý rằng, không thể áp dụng máy móc luật pháp nước khác vào xã hội nước ta.
Bên cạnh đó, sau vụ án Lê Văn Luyện, có ý kiến cho rằng, cần giảm số tuổi quy định của người chưa thành niên xuống, nhưng với quan điểm của tôi thì điều này không cần thiết, vì trường hợp đó chỉ là hy hữu. Việc quan trọng nhất chúng ta cần làm là các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là phòng ngừa xã hội với gốc gác của nó là giáo dục con người từ lúc hình thành nhân cách. Những đứa trẻ cần phải được giáo dục làm sao gạt bỏ sự ích kỷ, hiếu thắng thì sau này mới có thể trở thành công dân tốt và khi đó, pháp luật sẽ không cần đến những chế tài quá nặng để xử lý.
PV: Thưa ông, hiện nay, nhiều vụ án giết người được các đối tượng thực hiện với phương pháp rất tinh vi. Điều này có gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong công tác phá án?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Đối với những vụ trọng án mà các đối tượng thực hiện hành vi manh động tàn bạo với phương thức mà chúng ta cho rằng tinh vi bởi sự trợ giúp của các yếu tố bên ngoài, tôi cho rằng, đó không phải khó khăn trong quá trình điều tra. Chúng ta nên nhớ, khi tội phạm có những phương thức thủ đoạn mới thì cơ quan điều tra cũng tiếp cận, thích nghi với tất cả kiến thức mới nhất để làm sao tiến hành điều tra một cách nhanh nhất.
Chính vì vậy, tôi xin khẳng định rằng, bất cứ đối tượng nào đang có âm mưu thực hiện hành vi phạm tội thì hãy dừng lại, vì bất cứ thủ đoạn nào, dù tinh vi đến đâu, cơ quan Công an cũng sẽ điều tra làm rõ và đưa ra ánh sáng.
PV: Trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng về giết người, nhiều tờ báo đang có xu hướng khai thác quá sâu vào từng tình tiết cụ thể khiến dư luận càng thêm hoang mang. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Theo tôi, một trong những lý do khiến tình trạng gia tăng tội phạm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên có một phần trách nhiệm của báo chí. Vì sao vậy? Vì có quá nhiều bài báo, tờ báo mô tả tỉ mỉ chi tiết từng vụ án và điều này trở thành một bài giảng cho những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ phạm tội.
Cách đây vài năm, bản thân Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học cũng đã đưa ra những cảnh báo với các cơ quan báo chí. Trong đó, người đứng đầu phải có trách nhiệm hướng đội ngũ phóng viên của mình đừng làm mọi thứ trở nên thái quá. Vì lợi nhuận, quảng cáo, câu khách mà một số tờ báo đang quên đi nhiệm vụ rất quan trọng mà xã hội đặt lên vai của báo chí, đó là tuyên truyền, giáo dục hướng thiện. Theo quan điểm của tôi, cần có những hình phạt nghiêm khắc những trường hợp lợi dụng các vụ án để làm lợi cho bản thân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()