Trẻ hóa cán bộ cơ sở ở Cao Bằng
Các trí thức trẻ ở Cao Bằng về xã nhận công tác. Vừa chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ là người địa phương, vừa thu hút trí thức trẻ để tạo nguồn cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã, thị trấn là cách làm của tỉnh Cao Bằng nhằm bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.Những năm qua, đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh Cao Bằng ngày càng được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn còn nhiều hạn chế. Số cán bộ cấp xã của tỉnh chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tới 50%; độ tuổi trung bình cũng vượt quá 42 tuổi. Để khắc phục những yếu kém đó, năm 2011, Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở bằng cách chú trọng quy hoạch, tạo nguồn và bồi dưỡng cán bộ trẻ tại chỗ, đồng thời tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng vào làm việc.Xã Hạ Thôn, huyện Hà...
Các trí thức trẻ ở Cao Bằng về xã nhận công tác. |
Những năm qua, đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh Cao Bằng ngày càng được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn còn nhiều hạn chế. Số cán bộ cấp xã của tỉnh chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tới 50%; độ tuổi trung bình cũng vượt quá 42 tuổi. Để khắc phục những yếu kém đó, năm 2011, Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở bằng cách chú trọng quy hoạch, tạo nguồn và bồi dưỡng cán bộ trẻ tại chỗ, đồng thời tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng vào làm việc.
Xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng nằm trong vùng Lục khu biên giới. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Hạ Thôn đã khắc phục được nhiều khó khăn về giao thông, đường ô-tô đã đến trung tâm xã. Các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất. Tuy nhiên, xã có lợi thế đồng cỏ rộng để phát triển chăn nuôi thì chưa phát huy được, do các hộ gia đình vẫn quen chăn nuôi gia súc tại gầm nhà sàn. Năm 2010, Đảng ủy xã chủ trương đưa gia súc ra khỏi gầm nhà sàn. Người dân sinh sống ở xã Hạ Thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sống rải rác trên núi cao. Đồng chí Chủ tịch xã Nông Thị Điếp tâm sự, với đồng bào, điều gì đã thành phong tục, tập quán thì rất khó thay đổi, chỉ có cách kiên trì vận động. May mắn là đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã Hạ Thôn vừa được “trẻ hóa”, độ tuổi trung bình là 30 và 100% tốt nghiệp đại học; hơn 90% số cán bộ, công chức cũng được chuẩn hóa. Có trình độ, lại thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán địa phương là những điều kiện thuận lợi trong vận động bà con, theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”. Trong hai năm, Đảng ủy xã đã vận động tất cả số hộ gia đình di chuyển gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, “về đích” trước dự kiến ba năm. Đây là cơ sở để Đảng ủy xã triển khai Nghị quyết về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Từ 100 con trâu, bò đến nay đàn gia súc xã tăng lên 500 con và môi trường khu dân cư đã được cải thiện rõ rệt, không mất vệ sinh như những năm trước, khi còn nuôi gia súc trong nhà.
Trao đổi với đồng chí Bế Thanh Tịnh, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng chúng tôi được biết, Huyện ủy rất coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Hiện nay số cán bộ trẻ ở các xã chiếm hơn 60%. Đặc điểm của cán bộ trẻ có năng lực, trình độ nếu tin tưởng giao việc để thử thách, kết hợp giám sát, bồi dưỡng thì phát huy tốt tính năng động, dám nghĩ, dám làm của lớp trẻ.
Cách làm ở xã Hạ Thôn là một thực tế sinh động khi mạnh dạn, tin tưởng giao việc vào tay cán bộ trẻ. Không chỉ bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, Cao Bằng là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện chủ trương đưa trí thức trẻ về công tác tại cơ sở. Từ đầu năm 2012, đã có 44 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học được phân công về làm phó chủ tịch các xã vùng cao, biên giới, khó khăn. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, cử nhân trẻ Đinh Thị Tuyết, sinh năm 1984, quê ở thị xã Cao Bằng mạnh dạn về nhận công tác tại xã biên giới An Lạc, huyện Hạ Lang. Trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa – xã hội, kiêm Tổ trưởng tổ xây dựng các đề án phát triển kinh tế – xã hội; Phó Chủ tịch Đinh Thị Tuyết không ngại gian khổ, đến từng gia đình, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, cách làm ăn của bà con. Sau một tháng lặn lội tìm hiểu, đồng chí đã xây dựng đề án mở rộng diện tích trồng cây mía đường và được Đảng ủy xã, nhân dân địa phương ủng hộ. Nhiều gia đình đã thay thế các loại cây trồng không hiệu quả và tận dụng đất bạc màu để trồng mía, cho thu nhập cao gấp ba lần trồng ngô, lúa. Tín nhiệm của bà con đối với Phó Chủ tịch xã trẻ ngày càng được nâng cao. Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, chuyển biến rõ nét nhất ở các xã nghèo được bổ sung trí thức trẻ là triển khai nhanh các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Đội ngũ này với ưu điểm được đào tạo cơ bản, nắm bắt công việc nhanh, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, việc tăng cường cán bộ cơ sở trẻ ở Cao Bằng vẫn gặp phải những khó khăn. Do đặc điểm tỉnh Cao Bằng tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều; học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng không hào hứng trở về địa phương nên dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cán bộ trẻ ở các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cấp ủy chưa thật sự tin tưởng vào các đồng chí cán bộ trẻ, không quan tâm bồi dưỡng, giao việc thử thách, cho nên không ít cán bộ trẻ nản chí. Số lượng cán bộ tuổi cao, năng lực hạn chế khá đông, nhưng Cao Bằng chưa có cơ chế để giảm số lượng cán bộ này. Với việc thu hút đội ngũ trí thức trẻ, trong số 100 ứng cử viên được tuyển chọn thì hơn 70% tốt nghiệp các ngành xã hội; những ngành, nghề địa phương cần như nông nghiệp, nông lâm, quản lý kinh tế thì gần như không có.
Theo đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, để khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy Cao Bằng đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể theo từng chức danh, khắc phục tình trạng mất cân đối trong đào tạo. Tỉnh dành một số chỉ tiêu biên chế ở cơ sở để tuyển chọn những trí thức trẻ tốt nghiệp đại học; xây dựng cơ chế chính sách, bố trí kinh phí để thực hiện giải quyết đối với những cán bộ, công chức cơ sở tuổi cao, năng lực hạn chế, không đạt chuẩn, nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi và năm công tác nghỉ chế độ để nhường chỗ cho cán bộ trẻ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()