Trẻ em Việt Nam nhiễm vi khuẩn H.p cao gấp bốn lần so với các nước phát triển
PGS, TS Nguyễn Duy Thắng.
96,2% trẻ dưới tám tuổi nhiễm vi khuẩn H.p
Đây là con số đáng giật mình vừa được Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật công bố sau một nghiên cứu, phân tích số liệu về vi khuẩn H.p dựa trên cá thể của từng bệnh nhân, quan hệ huyết thống của bệnh nhân đó đối với những người thân trong gia đình. Nghiên cứu này đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra bao gồm: Tỷ lệ nhiễm H.p trong hộ gia đình có cao hơn so với quần thể chung người Việt Nam hay không? Trong gia đình thì đối tượng nào có tỷ lệ nhiễm H.p cao nhất? Độ tuổi nào có tỷ lệ nhiễm H.p cao?
PGS, TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, theo kết quả nghiên cứu này, tỷ lệ nhiễm H.p trong gia đình cao hơn tỷ lệ nhiễm chung, đặc biệt là trẻ em. Theo đó, tỷ lệ nhiễm H.p chung là 85,9%, trong khi tỷ lệ nhiễm H.p ở trẻ em dưới tám tuổi là 96.2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ ở các nước phát triển, trẻ em là đối tượng nhiễm H.p rất thấp – người lớn chiếm khoảng 80% thì trẻ em chỉ khoảng 20%.
Nghiên cứu này được thực hiện trong hai năm trên 362 hộ gia đình với 929 cá thể. Kết quả này cho thấy, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.p cao nhất, đặc biệt là trong những gia đình có người thân cận huyết thống mắc H.p.
Mặc dù một số nghiên cứu mới chỉ là bước đầu, những kết quả thu được từ các nghiên cứu rất đáng ghi nhận. Các nhóm nghiên cứu cho thấy giá trị của các kỹ thuật mới như đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM), đo pH – trở kháng 24 giờ, và test thở hydrogen trong việc chẩn đoán và phân loại các bệnh lý tiêu hóa.
Thói quen sinh hoạt là nguyên nhân chính làm lây nhiễm vi khuẩn H.p
Helicobacter pylori (vi khuẩn H.p) là một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và là yếu tố nguy cơ cao của ung thư dạ dày. Theo GS, TS Nguyễn Duy Thắng, Việt Nam là khu vực có tỷ lệ người nhiễm cũng như tỷ lệ kháng kháng sinh tương đối cao đã đặt ra nhiều thách thức trong quá trình điều trị. Hiện nay tỷ lệ nhiễm H.p của Việt Nam là 55-75%, cao hơn Mỹ là 45% và Anh là 47%.
Có bốn con đường lây nhiễm vi khuẩn này, bao gồm: ăn uống thức ăn không chín, không sạch; lây nhiễm qua nước bọt như hôn nhau, mớm cơm, dùng chung bát đũa; qua nội soi hoặc lấy cao răng với dụng cụ chưa được khử khuẩn; môi trường không trong sạch.
“Thói quen sinh hoạt chung, dùng chung chén, đũa bát trong gia đình, công tác vệ sinh và tầm soát bệnh chưa được chú trọng là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn H.p tại Việt Nam rất cao”, PGS Thắng cho hay.
Vừa qua, tại viện này cũng đã phát hiện ra trường hợp bé trai hai tuổi nhiễm vi khuẩn H.p. Đây là trường hợp được phát hiện ngẫu nhiên do mẹ bị nhiễm vi khuẩn H.p nên cẩn thận đưa con đi test thở loại trừ. Đây là một kết quả để khuyến cáo các bậc cha mẹ khi trong gia đình có người mắc vi khuẩn H.p cần phải có những sinh hoạt chú ý: không mớm cơm, dùng chung thìa, đũa, nêm nếm chung đũa để tránh lây nhiễm vi khuẩn cho con.
H.p không phải là nguyên nhân duy nhất gây ung thư dạ dày nhưng hiện là nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh lý này. Người có vi khuẩn H.p nếu không có triệu chứng thì không nhất thiết phải diệt. Nhưng khi có triệu chứng lâm sàng như ợ hơi, ợ chua, nôn, đau, viêm dạ dày, xung huyết dạ dày… thì sẽ phải điều trị kháng sinh với liều thuốc phù hợp cân nặng, lứa tuổi. Với trẻ còn nhỏ tuổi, các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị.
PGS Thắng khuyến cáo, vi khuẩn H.p sẽ chết trong môi trường axit và sẽ phát triển mạnh trong môi trường kiềm hóa cao. Vì thế những người mắc vi khuẩn này hạn chế ăn đồ chua, đồ ăn cay, rượu, bia, cà phê… Và để tránh tình trạng kháng kháng sinh, mọi người không nên tự ý mua kháng sinh diệt H.p. “H.p có nhiều tuýp vi khuẩn, vì thế nếu bạn chữa khỏi một lần, khả năng tái nhiễm vẫn xảy ra khi mắc tuýp khác”, PGS Thắng nói.
Theo Nhandan
Ý kiến ()