Trẻ em nghèo đói tại các nước giàu
Theo thông báo mới nhất vừa được Văn phòng nghiên cứu (Innocenti) của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, 1/5 số trẻ em ở những nước có thu nhập cao lại phải sống trong cảnh nghèo đói tương đối về thu nhập và trung bình 1/8 số trẻ em này phải đối mặt với bất ổn lương thực.
Với nhan đề “Xây dựng tương lai: trẻ em và mục tiêu phát triển bền vững tại các nước giàu”, đây là thông báo đầu tiên tiến hành đánh giá cuộc sống của các trẻ em tại 41 quốc gia có thu nhập cao so với các Mục tiêu Phát triển Bền vững được xác định là quan trọng nhất đối với phúc lợi của trẻ em. Thông báo xếp hạng các nước dựa trên hiệu suất và đánh giá chi tiết những thách thức và cơ hội mà các nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế về trẻ em.
“Ngay cả tại các quốc gia có thu nhập cao, các tiến bộ cũng không mang lại lợi ích cho trẻ em” – Giám đốc Văn phòng nghiên cứu Innocenti của UNICEF, bà Sarah Cook tuyên bố cho biết. “Thu nhập cao hơn không tự động dẫn đến kết quả tốt hơn cho tất cả trẻ em và thực tế còn có thể làm sâu sắc thêm các bất bình đẳng. Tất cả Chính phủ các nước phải có hành động để thu hẹp khoảng cách và để những tiến bộ đó được thực hiện nhằm đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững đối với trẻ em”.
Trong bối cảnh đó, UNICEF kêu gọi các nước có thu nhập cao áp dụng một loạt các biện pháp nhằm đưa trẻ em vào trung tâm của tiến bộ công bằng và bền vững. Nâng cao phúc lợi của tất cả trẻ em hiện nay là việc làm quan trọng để đạt được công bằng và bền vững, không để trẻ em ra ngoài lề xã hội.
Đồng thời, theo UNICEF, cần cải tiến việc thu thập dữ liệu so sánh, đặc biệt là về bạo lực đối với trẻ em, chăm sóc trẻ em, người di cư và giới tính. Sử dụng bảng xếp hạng để giúp điều chỉnh các chính sách ứng phó phù hợp với bối cảnh quốc gia. Không một quốc gia nào thành công trên tất cả các chỉ số về phúc lợi đối với trẻ em và tất cả các quốc gia đều đang phải đối mặt với những khó khăn để đạt được ít nhất một số chỉ tiêu của các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng trọng tâm vào trẻ em./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()