Trẻ em không được tiêm phòng - nguy cơ đối mặt dịch bệnh
Ngày 17/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông báo cho biết 12,9 triệu trẻ sơ sinh trên thế giới, tương đương với tỷ lệ 1 trong số 10 em đã không được tiêm phòng vaccine vào năm 2016.
Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc những trẻ em này đã bỏ lỡ liều vaccine đầu tiên chống bạch hầu-uốn ván-ho gà DTP, từ đó đặt các em vào nguy cơ nghiêm trọng đối mặt với những căn bệnh đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, theo WHO và UNICEF, ước tính 6,6 triệu trẻ sơ sinh đã được tiêm liều vaccine DTP đầu tiên song chưa hoàn thành đầy đủ các liều gồm 3 liều vaccine (DTP3) vào năm 2016.
Từ năm 2010, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng vaccine đầy đủ đã chỉ dừng lại ở mức 86% (116,5 triệu trẻ), không có thay đổi đáng kể trong bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào. Con số này không tương xứng với mục tiêu toàn cầu phổ cập tiêm chủng mở rộng ở mức 90%.
Theo Tiến sĩ Jean-Marie Okwo-Bele, Giám đốc cơ quan tiêm chủng, vaccine và các chế phẩm sinh học của WHO, hầu hết trẻ em không được tiêm chủng ở tại những nơi có hệ thống y tế nhiều thiếu thốn. “Những đứa trẻ này có thể cũng chưa nhận được các dịch vụ y tế cơ bản khác. Nếu chúng ta muốn tăng phạm vi phổ cập tiêm chủng toàn cầu thì các dịch vụ y tế phải đạt tới mức chưa đạt được. Mọi tiếp xúc với hệ thống y tế nên được xem như một cơ hội để thúc đẩy tiêm chủng” – ông nhấn mạnh.
Cũng theo hai cơ quan của Liên hợp quốc, mỗi năm, tiêm chủng giúp ngăn ngừa từ 2 – 3 triệu ca tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và sởi. Đây là một trong những biện pháp can thiệp y tế cộng đồng hiệu quả và sinh lợi nhất.
Mức phổ cập tiêm chủng trên thế giới
Theo số liệu mới được công bố, 130 trong số 194 quốc gia thành viên của WHO đã đạt được và duy trì tỷ lệ ít nhất 90% phổ cập tiêm chủng mở rộng đối với DTP3 ở quy mô quốc gia – một trong những mục tiêu của Kế hoạch Hành động Tiêm chủng toàn cầu. Tuy nhiên, khoảng 10 triệu trẻ sơ sinh vẫn cần được tiêm chủng tại 64 quốc gia nếu chúng ta muốn tất cả các quốc gia phải đạt được tỷ lệ phổ cập tiêm chủng ít nhất 90%.
Trong số 10 triệu trẻ em này, WHO và UNICEF cho biết, 7,3 triệu em sống trong hoàn cảnh mong manh hay cần cứu trợ nhân đạo, ở tại các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột. 4 triệu em trong số đó sống chỉ ở 3 quốc gia: Afghanistan, Nigeria và Pakistan, nơi mà việc truy cập vào các dịch vụ tiêm chủng thường xuyên là cấp thiết để đạt được và duy trì xóa bỏ bại liệt. Năm 2016, 8 quốc gia có tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng DTP3 thấp hơn 50% là: Cộng hòa Trung Phi, TChad, Equatorial Guinea, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Syria và Ukraine.
Ở quy mô toàn cầu, 85% trẻ em đã được tiêm liều vaccine sởi đầu tiên vào năm 1 tuổi thông qua các dịch vụ y tế thông thường và 64% trẻ em tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên, mức độ phổ cập tiêm chủng vẫn thấp hơn nhiều so với cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, tránh các trường hợp tử vong có thể ngăn ngừa và đạt được các mục tiêu khu vực xóa bỏ bệnh sởi.
152 quốc gia hiện đang sử dụng vaccine chống rubella và mức phổ cập loại vaccine này trên toàn cầu đã tăng từ 35% vào năm 2010 lên 47% vào năm 2016. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới giảm sự xuất hiện của hội chứng rubella bẩm sinh, một căn bệnh nghiêm trọng dẫn tới khiếm thính, bệnh tim bẩm sinh và mù lòa, trong số những khuyết tật suốt đời khác.
Ngoài ra, theo WHO và UNICEF, phổ cập tiêm chủng vaccine toàn cầu được khuyến nghị vẫn chưa đạt tỷ lệ 50%. Những loại vaccine này bao gồm vaccin chống lại các tác nhân khiến trẻ tử vong như virus rota, một căn bệnh gây tiêu chảy nặng ở trẻ em và viêm phổi. Tiêm phòng vaccine chống các bệnh này có thể làm giảm đáng kể số trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, một trong số các Mục tiêu Phát triển Bền vững./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()