Trẻ em dưới sáu tuổi tạm trú cần được cấp thẻ Bảo hiểm y tế
Khám, điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Thông tin TP Hồ Chí Minh không cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em tạm trú và thu hồi các thẻ đã cấp cho trẻ dưới sáu tuổi diện này khiến nhiều người dân băn khoăn, tác động không nhỏ đến một bộ phận dân cư ở thành phố có đông người tạm trú. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho trẻ em tạm trú theo đúng chính sách của Nhà nước, các ngành chức năng liên quan sớm giải quyết việc này.Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1-7, đối tượng được cấp thẻ BHYT là trẻ em dưới sáu tuổi có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh; giao các cơ quan liên quan rà soát, thu hồi các thẻ BHYT cấp sai đối tượng (trẻ tạm trú). Như vậy, những trẻ dưới sáu tuổi, con của các gia đình tạm trú sẽ không được cấp thẻ BHYT tại TP Hồ Chí Minh. Việc này khiến những người đang tạm trú bất ngờ vì Luật BHYT chỉ quy định nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi là UBND...
Khám, điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. |
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1-7, đối tượng được cấp thẻ BHYT là trẻ em dưới sáu tuổi có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh; giao các cơ quan liên quan rà soát, thu hồi các thẻ BHYT cấp sai đối tượng (trẻ tạm trú). Như vậy, những trẻ dưới sáu tuổi, con của các gia đình tạm trú sẽ không được cấp thẻ BHYT tại TP Hồ Chí Minh. Việc này khiến những người đang tạm trú bất ngờ vì Luật BHYT chỉ quy định nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi là UBND phường, xã nơi cha, mẹ của trẻ cư trú (thường trú, tạm trú). TP Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm nghìn người dân tạm trú, trong đó số đông là công nhân, người lao động đang gặp nhiều khó khăn. Đã phải vất vả bươn chải từng ngày để mưu sinh, giờ đây họ còn canh cánh nỗi lo về việc khám, chữa bệnh cho con mình. Chị Nguyễn Ngọc Huệ, quê Quảng Nam, cho biết: “Hai vợ chồng tôi vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân được năm năm. Con tôi đã hơn bốn tuổi nhưng chưa làm thẻ BHYT cho cháu được, nên mỗi lần cháu bị bệnh phải khám dịch vụ tốn kém lắm. Tôi định làm thẻ BHYT cho cháu để bớt chi phí mỗi khi cháu ốm đau, nhưng nghe nói thành phố lại không cấp cho trẻ em tạm trú. Công nhân như chúng tôi mấy người có hộ khẩu thành phố ? Trong một năm vất vả xa quê kiếm sống, có khi ba ngày Tết còn phải tính toán thật kỹ mới về thăm quê, đâu phải lúc nào cũng về quê làm thẻ BHYT cho cháu được…”.
UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn người thân của trẻ về địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để làm thẻ BHYT cho trẻ đã đẩy thêm khó khăn cho người tạm trú. Làm thẻ tại nơi có hộ khẩu, nhưng lại sống ở nơi tạm trú và khi cần khám, chữa bệnh không thể về nơi đăng ký khám, chữa bệnh theo BHYT được, buộc phải khám, chữa bệnh trái tuyến. Anh Đỗ Văn Quân, quê Thanh Hóa , tạm trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết: Con anh năm nay ba tuổi và đã có thẻ BHYT do phường Hiệp Thành, quận 12 cấp. Nếu bị thu lại thẻ BHYT, rồi phải về quê làm lại thẻ cho cháu thì quả là rất khó. Hơn nữa, nếu làm thẻ BHYT ở quê, nhưng nếu cháu bị ốm, thì phải khám, chữa bệnh ở đây vẫn phải đóng tiền…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã triển khai thông báo của UBND thành phố tới các quận, huyện; sắp tới sẽ họp với các quận, huyện và sở, ngành liên quan để nắm lại tình hình và đề xuất thành phố về việc cấp BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi tạm trú. Một cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, một số gia đình không chịu làm thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi, khi đưa trẻ đi khám bệnh, lại mang theo giấy khai sinh để chứng minh trẻ còn thuộc diện ưu đãi”.
Khi chúng tôi hỏi về việc ngưng cấp thẻ BHYT cho trẻ tạm trú dưới sáu tuổi, đại diện của Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi chỉ biết cấp thẻ theo danh sách được đưa ra. Những đối tượng nào được cấp phải hỏi Sở Tài chính và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội”. Thế nhưng, trước đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao cụ thể: “Bảo hiểm Xã hội thành phố chủ trì phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn liên sở về việc thực hiện BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi, trong đó cần quy định rõ đối tượng, thời điểm cấp thẻ BHYT, thời gian hưởng BHYT, quy trình thủ tục cấp thẻ, khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám và chữa bệnh…”.
TP Hồ Chí Minh là một trong những nơi có số người tạm trú lớn nhất cả nước. Việc xây dựng các chính sách cần bảo đảm quyền lợi của người tạm trú, trong đó có trẻ em, nhất là hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em và hướng tới BHYT toàn dân. Các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh cần sớm giải quyết thấu tình, đạt lý trong việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi là con các gia đình tạm trú, giúp họ đỡ bớt gánh nặng trong cuộc sống hằng ngày.
Theo Nhandan
Ý kiến ()