Chủ nhật, 24/11/2024 16:47 [(GMT +7)]
Trẩy hội Dinh Chùa
Thứ 3, 07/02/2012 | 14:18:00 [(GMT +7)] A A
Hiện nay, rất nhiều đền, chùa, nơi diễn ra những hội lớn của các địa phương trong tỉnh đã thực hiện được nếp sống văn minh trong các lễ hội. Nhân dân và du khách đến lễ chỉ thắp hương ở ngoài hoặc ở ban thờ chính, như vậy vừa văn minh vừa phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra. Mong Ban tổ chức lễ hội Dinh Chùa năm sau sẽ có biện pháp thực hiện tốt vấn đề này, như vậy hội Dinh Chùa không chỉ đặc sắc mà còn văn minh.
LSO-Ngày 14 tháng Giêng hàng năm là ngày diễn ra rất nhiều lễ hội tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó không thể không nhắc đến lễ hội Dinh Chùa, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình. Hội Dinh Chùa có từ rất lâu đời, được tổ chức tại thôn Dinh Chùa, nơi có chùa Trung Thiên an lạc. Hội Dinh Chùa năm nào cũng đông, song năm nay có nét khác biệt hơn cả chính là chùa Trung Thiên vừa đón nhận và tổ chức nhập 8 pho tượng do Công ty cổ phần Non Nước cung tiến. Sự kiện này làm cho chùa Trung Thiên thêm phần trang nghiêm và nhân dân đến trẩy hội, làm lễ thêm hiểu hơn về ngôi chùa đã có 332 năm tuổi.
Lãnh đạo huyện Lộc Bình dâng hương tại chùa Trung Thiên
“Sự tích” chùa Trung Thiên
Chùa Trung Thiên nằm bên dòng sông Kỳ Cùng, nhìn sang đỉnh núi Mẫu Sơn. Theo văn bia của Chùa thì Chùa được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ nhất Tiết mùa đông tháng 10 năm 1680 do Quận công Vi Đức Thắng, tự là Vạn Thọ, người xã Khuất Xá, châu Lộc Bình, phủ Trường Khánh, Xứ Lạng Sơn, Đạo Kinh Bắc, nước An Nam khởi công xây dựng. Trải qua bao biến cố của thời gian và lịch sử, chùa Trung Thiên ngày nay đã có nhiều đổi khác so với lúc ban đầu. Chùa là nơi có vị trí chiến lược của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp, năm 1945 là nơi thành lập UBND lâm thời Châu Lộc Bình. Những năm 1947-1950, Chùa là chốt giao thông liên lạc vững chắc cho khu du kích Chi Lăng, góp phần làm nên chiến thắng Biên giới năm 1950. Năm 2002, chùa Trung Thiên vinh dự được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Chùa Trung Thiên hiện nay thờ Quận công Vi Đức Thắng, người có công khởi dựng chùa, được nhà vua phong làm Đô tổng sứ ty, Đô tổng binh sứ, thiên sự Vũ Quận công Vi Đức Thắng. Ông là một người có tài, gìn giữ biên ải yên ổn, giữ quốc mạch trường tồn, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ông được nhân dân yêu quý, kính trọng tôn làm thánh để thờ phụng.
Gìn giữ lễ hội Dinh Chùa
Hội Dinh Chùa năm nay, mặc dù thời tiết mưa xuân lất phất nhưng vẫn thu hút rất đông nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự hội. Toàn huyện Lộc Bình có trên 12 lễ hội, bắt đầu từ mùng 8 tháng Giêng kéo dài đến 19/4 âm lịch. Năm nay huyện Lộc Bình chọn 2 lễ hội tổ chức điểm là hội Dinh Chùa của xã Tú Đoạn và hội Háng Đắp, thị trấn Lộc Bình. Sau lễ dâng hương chùa Trung Thiên là phần khai mạc lễ hội, ngay sau tiếng trống khai hội của lãnh đạo UBND huyện Lộc Bình là phần biểu diễn văn hóa văn nghệ của các đội văn nghệ quần chúng của huyện Lộc Bình. Bà Triệu Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện Lộc Bình cho biết: “Chương trình có 12 tiết mục đặc sắc nhằm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước và con người Xứ Lạng. Sau đó là các hoạt động thể thao như kéo co, đẩy gậy, nhẩy bao.
Phần biểu diễn văn nghệ đặc sắc của đội văn nghệ quần chúng huyện Lộc Bình
Theo các ông, bà kể lại, hội Dinh Chùa ngày xưa còn là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái. Họ tổ chức vui hát đối đáp các điệu sli, lượn, múa sư tử, các bài võ dân tộc khỏe khoắn cùng các trò chơi dân gian hấp dẫn như đẩy gậy, kéo co, tung còn, đấu võ dân tộc, thi đi cà kheo. Đặc biệt xưa kia tại ngày hội này người ta còn đoán được thời tiết qua tình hình khí tượng ở đỉnh núi Mẫu Sơn. Người xưa truyền rằng, khi nào đỉnh núi Mẫu Sơn có mây mù thì trời mưa, đỉnh núi trong xanh thì trời nắng.
Thực tế ngày nay, đến với hội Dinh Chùa ta vẫn thấy sắc màu rực rỡ trong những bộ quần áo mới của thanh niên các dân tộc trong vùng đến vui hội nhưng các làn điệu sli, lượn của các thanh niên nam, nữ đối đáp nhau không còn nữa. Chỉ còn lại các trò chơi dân gian như đẩy gậy, nhảy bao, bịt mắt đánh trống, thi đấu các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn, bóng đá và tưng bừng trong tiếng trống rộn ràng của các đội sư tử các vùng lân cận về dự hội. Sau lễ hội, nhân dân địa phương lại chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.
Ông Hứa Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức lễ hội xuân huyện Lộc Bình năm 2012 cho biết: “Đến thời điểm này, các địa phương trong huyện đã tổ chức xong 5 lễ hội, các lễ hội đã tổ chức đều rất an toàn, lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong các lễ hội. Hội điểm Dinh Chùa hôm nay cũng vậy. Qua lễ hội này, huyện mong muốn rằng tinh thần nhân dân trong vùng sẽ thêm phấn khởi nhằm bước vào một mùa vụ mới thắng lợi, bội thu”.
Một góc trưng bày báo xuân tại lễ hội Dinh Chùa
Mong hội Dinh Chùa ngày càng văn minh
Bên cạnh những ấn tượng đẹp thì theo quan sát của chúng tôi hội Dinh Chùa năm nay vẫn còn tình trạng bà con nhân dân đến khấn lễ thắp hương trong chùa quá nhiều, thắp hương tràn lan rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Bà Vi Thị Sơn (75 tuổi), con cháu trong dòng họ Vi của Quận công Vi Đức Thắng, người có thâm niên trông giữ chùa đã 32 năm cho biết: “Bà cũng nhắc nhở mọi người đến khấn lễ không nên thắp hương quá nhiều nhưng mọi người vẫn chưa thực hiện được”.
Hiện nay, rất nhiều đền, chùa, nơi diễn ra những hội lớn của các địa phương trong tỉnh đã thực hiện được nếp sống văn minh trong các lễ hội. Nhân dân và du khách đến lễ chỉ thắp hương ở ngoài hoặc ở ban thờ chính, như vậy vừa văn minh vừa phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra. Mong Ban tổ chức lễ hội Dinh Chùa năm sau sẽ có biện pháp thực hiện tốt vấn đề này, như vậy hội Dinh Chùa không chỉ đặc sắc mà còn văn minh.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()