Trâu về đúng chủ
Từ hòa giải bằng phương pháp dân gian
Ngày 31/3/2014, khi lên đồi kiểm tra đàn trâu, ông Nguyễn Văn A, thôn Pò Là, xã Xuân Mãn phát hiện bị mất con trâu đực, màu đen.
Gia đình ông Trần Văn B cũng mất con trâu đực vào tháng giêng năm 2014.
Ngày 30/3/2014, gia đình ông B đã bắt một con trâu và cho đó là trâu nhà mình. Khi hai vợ chồng ông đuổi con trâu đó về nhà, nó không chịu và chạy đi. Vì vậy, vợ chồng ông đã lấy dây thừng buộc nó vào gốc cây rồi xỏ mũi dắt về nhà.
Ông A đi tìm trâu, đến nhà ông B nhận con trâu ông B mới bắt về là trâu nhà mình bị mất. Hai bên đều khẳng định đó là trâu nhà mình và tranh chấp xảy ra.
Ngay sau đó, Ban hòa giải của UBND hai xã Xuân Mãn và Bằng Khánh đã tìm hiểu nguyên nhân, tiến hành hòa giải nhưng bên nào cũng khăng khăng cho đó là trâu nhà mình. Trước thực tế trên, UBND hai xã đã lựa chọn phương pháp áp dụng tập quán dân gian là cho “thử đàn” bởi bản năng của trâu, bò là luôn đi theo bầy, đàn.
Trước khi thử đàn, ông A và ông B đã thỏa thuận, cam kết “trâu đi theo đàn của gia đình nào thì sẽ là trâu của gia đình đó” đồng thời, tự nguyện ký vào biên bản hòa giải của UBND xã. Kết quả, khi được thả, con trâu đang tranh chấp liền đi theo đàn trâu của gia đình ông A. Ngay lập tức, vợ chồng ông B không đồng ý, cố tình đuổi con trâu đang tranh chấp về nhà mình.
Đến công đường
Không đòi được trâu, ngày 22/4/2014, ông A làm đơn khởi kiện ông B ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lộc Bình yêu cầu trả lại trâu.
Theo ông A, con trâu bị mất được sinh vào tháng 6/2011, trước khi đuổi trâu đi thả, ông có rạch vào mép dưới tai trái con trâu. Sau khi phát hiện mất trâu, ông được mọi người cho biết là ông B có bắt một con trâu đực về nhà. Ông liền đến xem và nhận ra đó là trâu nhà mình vì ở bên dưới của tai trái con trâu có đánh dấu bằng vết rạch.
Còn theo ông B, trâu của gia đình được sinh khoảng tháng 3/2010, có hai sừng dài khoảng 30 cm, mỗi bên vai có 1 xoáy, gần mắt trái có 1 xoáy, rốn dài hơn bình thường.
Những đặc điểm nhận dạng bên ngoài, cả hai bên khai đều có trên con trâu đang tranh chấp. Vì vậy, không có căn cứ để xem xét.
Về tuổi con trâu đang tranh chấp, căn cứ Công văn số 573/SNN – CN ngày 10/7/2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn thì “…việc giải quyết tranh chấp trâu, bò bằng phương pháp xem răng định tuổi sẽ khó khăn, nếu giữa bên nguyên đơn và bị đơn trình bày tuổi con trâu đang tranh chấp chỉ sai khác nhau trong khoảng tối đa là 2 tuổi thì khó phân định”… trong khi tuổi con trâu đang tranh chấp chỉ chênh nhau hơn 1 tuổi. Do vậy, việc xác định tuổi trâu trong trường hợp này là không chính xác.
Cả hai bên đều khai là còn con trâu mẹ đẻ ra con trâu đang tranh chấp. Tại Công văn số 390/VCN-KHCN ngày 7/7/2014 của Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: hiện nay, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật – Viện Chăn nuôi có thể xác định gen trâu, bò để xác định huyết thống mẹ – con.
Ông Vũ Mạnh Đức, Phó Chánh án TAND huyện, thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án cho biết: TAND huyện đã mời Trạm Thú y huyện giải thích cho các đương sự về việc lấy mẫu giám định huyết thống để làm căn cứ giải quyết vụ án. Ông A đồng ý và đã tạm nộp tiền chi phí giám định gen. Nhưng ông B không đồng ý. Tòa án đã phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo 2 lần về việc lấy mẫu giám định để làm rõ sự thật. Đồng thời, mời các cơ quan chuyên môn, đại diện UBND 2 xã Bằng Khánh và Xuân Mãn đến nhà ông B để chứng kiện việc lấy mẫu giám định. Nhưng cả 2 lần gia đình ông B đều không đồng ý cho lấy mẫu giám định mà còn dùng lời lẽ xúc phạm, chống đối tổ công tác.
Qua đây cho thấy, nếu ông B khẳng định con trâu đang tranh chấp là trâu nhà mình tại sao không đồng ý cho lấy mẫu giám định để làm căn cứ giải quyết vụ án. Hành động của ông B thể hiện rằng ông đã biết con trâu đó không phải là trâu của nhà mình nên không dám để cho lấy máu giám định.
Mặt khác, việc thử đàn mà Ban hòa giải UBND hai xã Xuân Mãn và Bằng Khánh tiến hành cũng được coi là chứng cứ. Bởi theo quy định tại khoản 7, Điều 83 Bộ luật Tố tụng dân sự: tập quán được coi là chứng cứ nếu được cộng đồng nơi đó thừa nhận. Như vậy, ở các xã có tập quán chăn thả thì thử đàn cũng là một phương pháp để xác định con trâu thuộc về đàn nào. Phương pháp này khá chính xác khi con trâu bị thất lạc dưới 12 tháng. Thời điểm UBND hai xã Bằng Khánh và Xuân Mãn dùng phương pháp thử đàn để hòa giải tranh chấp chỉ cách chưa đầy hai tháng kể từ thời điểm các bên cho rằng trâu của gia đình mình bị mất.
Do lòng tham, lại thiếu hiểu biết, ông B tiếp tục đưa ra những lý lẽ thiếu căn cứ cho rằng do là trâu đực nên khi đến tuổi trưởng thành nó hay đi theo trâu cái của đàn khác mà không hề biết rằng: xét về tự nhiên, loài trâu, bò chỉ có hiện tượng tách đàn theo đàn trâu khác vào mùa động cỡn (tức mùa sinh trưởng) – khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Nhưng thời gian ông B mất trâu lại là tháng 2/2014 và thời gian thử đàn vào tháng 4/2014, không phải mùa sinh trưởng.
Trước những phân tích và đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, trên cơ sở quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên buộc gia đình ông B phải trả lại con trâu đang tranh chấp cho gia đình ông A.
(tên nhân vật đã được thay đổi)
Ý kiến ()