Trào lưu “người giả thú” ở Nga: Có phải là biểu hiện của bệnh tâm thần?
Trào lưu “Người giả thú” bắt nguồn từ VĐV Nhật Bản Kenichi Ito, con người đóng vai một con vật nào đó, đeo mặt nạ, gắn đuôi nhân tạo, đi bốn chân, cổ đeo vòng, mô phỏng các cử động của con vật.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, theo kết quả khảo sát qua điện thoại của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Toàn Nga (VTsIOM) tiến hành đối với 1.600 người Nga từ 18 tuổi trở lên, gần 75% số người Nga được khảo sát coi trào lưu mới xuất hiện chủ yếu trong trẻ em "người giả thú" (quadrobic) là đáng phải lo lắng.
Trào lưu “người đi bốn chân” bắt nguồn từ vận động viên Nhật Bản Kenichi Ito, nổi tiếng chạy rất nhanh và vẻ ngoài kỳ dị.
Quadrobic (từ tiếng Latin quattuor - “bốn” và từ tiếng Anh - “aerobic”) đang trở nên phổ biến trong số những trẻ em từ 7-14 tuổi. Trước hết, hành động này giống với một loại hình giải trí thể thao. Con người đóng vai một con vật nào đó - đeo mặt nạ, gắn đuôi nhân tạo, đi bốn chân, cổ đeo vòng, mô phỏng các cử động của con vật.
Khảo sát cho thấy 18% số người Nga được hỏi liên tưởng sự phổ biến của quadrobic với những khó khăn trong giải trí của trẻ em và thanh thiếu niên, thường coi là kết quả của sự lười biếng và có quá nhiều thời gian rảnh ở trẻ em. 4% nói rằng thiếu hoạt động giải trí dễ tiếp cận, ví dụ như các câu lạc bộ và khu thể thao miễn phí.
10% số người được hỏi cho rằng quadrobic là sự ngu ngốc, là biểu hiện của vấn đề tâm thần của trẻ, một sự phản kháng hoặc một cách trốn tránh thực tế.
Hơn 30% số người Nga được khảo sát tin rằng việc trẻ em và thanh thiếu niên thực hành “người giả thú” là ảnh hưởng văn hóa xã hội tiêu cực.
Về lý do ham mê “giả thú,” 32% số người được hỏi cho là trình độ giáo dục và giáo dục kém, trong đó 16% chỉ ra các vấn đề trong gia đình và việc thiếu sự quan tâm của người lớn, 8% - thiếu học vấn, 3% - buông thả và thiếu trừng phạt.
Ý kiến phổ biến thứ ba là trẻ em và thanh thiếu niên quan tâm đến trò quadrobic do đặc điểm độ tuổi (25%).
Bà Alexandra Bugaeva, nhà tâm lý học trẻ em và chuyên gia tại dịch vụ trị liệu tâm lý Alter, cho biết quadrobic chưa thể được gọi là văn hóa nhóm.
Chuyên gia lưu ý rằng đại diện của văn hóa nhóm đặc trưng bởi các chuẩn mực và giá trị nhất định, còn quadrobic đúng hơn là một loại sở thích của trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo bà, hoạt động này kết hợp mong muốn thu hút sự chú ý và hoạt động thể chất, và nên cảnh báo nếu trẻ hoàn toàn đắm chìm vào sở thích và mất kiểm soát thời gian.
Phó Tiến sỹ Khoa học Tâm lý, Phó Giáo sư tại Đại học Y khoa Svetlana Grishaeva chắc chắn rằng nếu chỉ là vận động thể chất và giúp trẻ không ngồi lì trước máy tính, quadrobic đã không gây ra nhiều nghi ngại như vậy. Quadrobic gây lo ngại khi các nhóm được thành lập để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Bà Grishaeva cảnh báo khi sở thích này vượt qua những ranh giới, khi đứa trẻ coi bản thân là động vật, áp dụng các hình thức hoạt động hung hãn của động vật, điều này không chỉ dẫn đến thương tích về thể chất cho bản thân và những người xung quanh mà còn làm tổn thương tâm lý còn mỏng manh của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ ở lâu trong da của động vật, quá trình "phi nhân cách hóa" có thể bắt đầu.
Theo giới chuyên gia, hành vi như vậy không chỉ phá hủy các quá trình xã hội hóa bình thường mà còn tạo ra những rủi ro cho sức khỏe tâm thần của trẻ em, ảnh hưởng đến nhận thức của chúng về thế giới xung quanh và các mối quan hệ với xã hội.
Vấn đề kiểm soát hoặc cấm quadrobic được thảo luận rộng rãi trong Quốc hội Nga. Tháng Chín, Thượng nghị sỹ Natalia Kosikhina đã đề xuất cấm thực hành quadrobic. Tháng 10, Phó Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Duma quốc gia Yana Lantratova tuyên bố xây dựng dự luật “cấm tuyên truyền hệ tư tưởng phá hoại, bao gồm cả quadrobic”./.
Ý kiến ()