Trào lưu đang lên của giới siêu giàu
Những năm gần đây, du lịch mạo hiểm thu hút ngày càng nhiều người giàu có và được xem là “mỏ vàng” mới của các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, sức hấp dẫn từ những trải nghiệm khó quên đó cũng đi kèm với xác suất rủi ro không nhỏ.
Cho đến tận bây giờ, doanh nhân người Đức Arthur Loibl vẫn cảm thấy rùng mình khi nghĩ về trải nghiệm “cực độ” của bản thân-một trong những hành khách đầu tiên mua vé-trong chiếc tàu lặn Titan của công ty tư nhân OceanGate (Mỹ) tham gia hành trình ngắm xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương vào tháng 8-2021. Theo đó, chuyến đi gặp “sóng gió” từ lúc chưa xuất phát. Ông nhớ như in rằng chuyến đi được lên kế hoạch vào sáng sớm, nhưng bị trì hoãn tới 5 giờ vì tàu không sạc được pin.
Cuối cùng, khi họ được hạ xuống nước chưa lâu thì bộ ổn định ở bên phía tay phải của tàu lặn bị trục trặc. Thậm chí, ông Loibl còn miêu tả bên trong tàu chật chội đến mức không có ghế, 5 người ngồi sát vào nhau, chân xếp bằng, không thể cúi xuống cũng không thể đứng lên trong toàn bộ thời gian lặn. “Cảm giác như đấy là một nhiệm vụ cảm tử vậy”, tờ Bild dẫn lời vị doanh nhân 61 tuổi ví von, đồng thời chia sẻ mình đã vô cùng bàng hoàng và đau lòng trước thông tin về vụ tai nạn thảm khốc của tàu Titan vừa qua.
Rủi ro là vậy nhưng loại hình du lịch mạo hiểm ngày một phổ biến trong giới siêu giàu ưa cảm giác mạnh, thí dụ như bơi cùng cá mập trắng, chèo thuyền gần núi lửa đang hoạt động, thám hiểm không gian hay đáy đại dương, chinh phục đỉnh Everest, đi đến cực Nam của địa cầu… Họ sẵn lòng bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để thỏa mãn đam mê, nhưng cũng đồng thời chấp nhận đương đầu với rủi ro không thể lường trước.
Doanh nhân Arthur Loibl giới thiệu một số hình ảnh chụp xác tàu Titanic khi ông ngồi trong tàu lặn Titan. Ảnh: Bild |
Đơn cử, Forbes cho biết, OceanGate là công ty duy nhất cung cấp dịch vụ tham quan xác tàu Titanic với giá 250.000USD/người. Mặc dù có giá đắt đỏ nhưng du khách tham gia còn bắt buộc phải ký vào một số giấy tờ xác nhận chuyến đi có thể dẫn tới chấn thương về thể chất, tổn thương tinh thần hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Đến nay, hãng đã tổ chức 18 chuyến thám hiểm như vậy. Trong khi đó, mỗi chiếc vé du lịch không gian của các công ty tư nhân như Virgin Galactic, Blue Origin hay SpaceX cũng có giá hàng trăm nghìn USD.
Thảm kịch tàu Titan một lần nữa làm dấy lên những câu hỏi như: “Tại sao nhiều người vẫn chấp nhận du lịch mạo hiểm?” và “Vì sao du lịch rủi ro cao lại được giới nhà giàu ưa chuộng?”. Lý giải về xu hướng trên, các chuyên gia cho rằng, với những người đã quá quen thuộc với các chuyến du lịch thông thường, họ luôn muốn tìm kiếm những điều mới lạ và độc đáo, khẳng định địa vị của bản thân hay đơn giản chỉ là muốn “phá cách”. Với họ, rủi ro chính là sự hấp dẫn của du lịch mạo hiểm.
Do vậy, giá cả hay sự an toàn được họ đặt dưới những trải nghiệm không phải ai cũng có được. Nhờ sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, các cuộc phiêu lưu mạo hiểm được thúc đẩy đến tầm cao mới. Bất kỳ ai có đủ thời gian, tiền bạc, sức khỏe và được đào tạo đều có thể biến mình trở thành một nhà thám hiểm. “Tiền không phải là vấn đề với giới giàu có. Họ quan tâm đến trải nghiệm hơn. Họ muốn có thứ gì đó mình không bao giờ quên được”, CNN dẫn lời Giám đốc hãng truyền thông TARA (Mỹ) Nick D’Annunzio nhận định.
Với các nhà cung cấp dịch vụ, du lịch mạo hiểm là mảnh đất kinh doanh màu mỡ, đầy hứa hẹn. Báo cáo về du lịch mạo hiểm toàn cầu giai đoạn 2023-2027 của công ty phân tích thị trường Research and Markets (Ireland) ước tính thị trường du lịch rủi ro cao có thể đạt giá trị hơn 4.400 tỷ USD trong giai đoạn trên, với mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là gần 50%.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/trao-luu-dang-len-cua-gioi-sieu-giau-733358
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()