Trao giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam"
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên có tính mới, tính sáng tạo, nội dung phong phú, một số đề tài có tính ứng dụng vào thực tiễn. Một số đề tài tiêu biểu có thể kể đến là: Chế tạo Gel Pluronic nhạy cảm bởi nhiệt chứa Neomycin và Panthenol điều trị bỏng trên thỏ thí nghiệm của Lê Thu Hương – Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế; Đề tài Thiết kế chế tạo máy in chi tiết nhựa 3D của Hoàng Quốc Bình và nhóm thực hiện – ĐH Bách khoa Hà Nội; Đề tài nghiên cứu tổng hợp chất tạo vi nhũ nước/dầu từ nguồn dầu thực vật và đánh giá khả năng cháy của hệ vi nhũ nước/dầu của Phan Công Đại và nhóm thực hiện – Trường ĐH Mỏ – Địa chất,…
Một số đề tài đề cập đến những vấn đề có tính thời sự được xã hội rất quan tâm như: Đánh giá năng lực làm việc của lao động giúp việc trên địa bàn TP Hà Nội – Ngụ ý cho đào tạo nghề (Nguyễn Nguyệt Minh và nhóm thực hiện – Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội); Đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội (Trần Phương Thảo và nhóm thực hiện – Học viện Cảnh sát nhân dân)…
Năm 2014, đã có 293 đề tài tham gia xét giải, là những đề tài xuất sắc được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 81 trường đại học, học viện trong cả nước.
Theo Ban chỉ đạo xét tặng giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ” với hai vòng rất nghiêm túc, chất lượng giải thưởng năm nay đã được nâng cao. Ở vòng một, Bộ GD-ĐT đã thành lập 23 hội đồng đánh giá đề tài thuộc 12 nhóm ngành xét giải. Tiếp đến, tại vòng hai, đã có chín hội đồng xét giải nhất, nhì với cách thức làm việc đổi mới, đó là các hội đồng họp mở và sinh viên phải trình bày, báo cáo kết quả nghiên cứu, trả lời câu hỏi của hội đồng trực tiếp trước sự có mặt của đông đảo sinh viên, phụ huynh và thành viên hội đồng chứ không tổ chức theo hình thức khép kín như năm trước.
Kết quả, có 229 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải và được khen thưởng, trong đó có 11 đề tài được trao giải nhất, 32 đề tài giải nhì, 78 giải ba và 108 giải khuyến khích. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng ký quyết định khen thưởng cho 11 giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện 11 đề tài đạt giải nhất và 21 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên. 38 sinh viên thực hiện 11 đề tài đạt giải nhất sẽ được Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
Giải thưởng dành cho giảng viên trẻ
Năm 2014 là lần thứ hai Bộ GD-ĐT tổ chức xét tặng Giải thưởng dành cho giảng viên trẻ, lần thứ nhất tổ chức vào năm 2012. Theo đại diện Ban tổ chức, năm nay có 107 công trình từ 32 trường đại học, học viện tham gia xét giải thuộc sáu lĩnh vực là: Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học Y dược, khoa học Nông nghiệp, khoa học Xã hội và khoa học Nhân văn.
Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ dành cho giảng viên cũng được xét qua hai vòng. Bộ GD-ĐT đã thành lập 12 hội đồng ở vòng một và sáu hội đồng ở vòng hai để đánh giá các công trình tham gia xét giải.
Kết quả, có 80 đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải, trong đó có năm đề tài đạt giải nhất, 11 đề tài đạt giải nhì, 33 đề tài đạt giải ba.
Năm đề tài đạt giải nhất của các giảng viên trẻ gồm: Điều kiện cần, đủ đạt cực trị và đối ngẫu trong bài toán tối ưu vecto (TS. Thái Doãn Chương- Trường ĐH Sài Gòn), Nghiên cứu khả năng tích tụ một số kim loại nặng trong đất và trong rễ các loài thực vật chủ yếu tại khu vực khai thác quặng ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên (ThS. Trần Thị Phả – Trường ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên), Nghiên cứu tách biệt xã hội về kinh tế và các giải pháp giảm tách biệt xã hội đối với nông dân Việt Nam ( TS. Mai Ngọc Anh – Trường ĐH Kinh tế quốc dân), Nghi án và tranh luận văn chương ở Việt nam thế kỷ 18-19 nhìn từ sự vận động của văn học sử (Ths. Phạm Văn Hưng – Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia HN), Nghiên cứu tác dụng hạ cholesterol máu và bảo vệ gan của bột sấy phụ từ đài hoa bụt giấm (ThS. Lê Thị Lan Phương – Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh).
Ý kiến ()