Trao giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2019
Ngày 16/11, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2019 cho 44 tác phẩm xuất sắc nhất.
Nhóm tác giả nhận giải Đặc biệt. |
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Phát động từ ngày 26/3/2019 và nhận tác phẩm tham dự đến hết ngày 30/9/2019 (tác phẩm được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 5/9/2018 đến ngày 5/9/2019), Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham dự ở 4 loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.
Từ gần 1.000 bài tham dự, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 71 tác phẩm nổi trội về đề tài, nội dung, hình thức thể hiện vào chấm vòng chung khảo. Sau đó, Ban Giám khảo Hội đồng Chung khảo đã thống nhất trao giải cho 44 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình, cơ cấu giải thưởng cho mỗi loại hình bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết những thông tin về giáo dục được phản ánh đầy đủ, kịp thời trên báo chí đã giúp cho những chủ trương, chính sách, đổi mới về giáo dục đến với dư luận xã hội. Báo chí trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân bày tỏ ý kiến và tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách giáo dục.
Báo chí cũng phát hiện, phản ánh và cổ vũ kịp thời những tấm gương giáo viên, học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập.
Qua 2 năm tổ chức, với sự trân trọng từng tác phẩm báo chí và những người làm báo, Ban Tổ chức đã tìm tòi, đổi mới để hướng đến một giải thưởng báo chí có uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu dài.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm báo chí dự thi năm nay, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết các tác giả đã đầu tư công phu với mảng đề tài đã chọn cùng với thời gian, công sức để đến tận những nơi khó khăn nhất ở vùng biên cương, vùng núi cao hay các đảo tiền tiêu xa xôi quay những thước phim quý, chụp những bức hình đẹp, phỏng vấn thầy, cô giáo để có tư liệu sinh động cho bài báo tham dự giải.
Các tác phẩm báo chí dự giải đã phản ánh đa dạng, có nhiều bài viết, tác phẩm chuyên sâu phân tích vấn đề định hướng lớn của ngành giáo dục như tự chủ đại học, đổi mới phương pháp dạy học, cơ chế tuyển dụng giáo viên, các vấn đề nóng của ngành với tinh thần xây dựng cao.
Ban Tổ chức đã vinh danh các tác phẩm đoạt giải trong buổi lễ sáng 16/11.
Bốn tác phẩm đoạt giải Nhất gồm: “Chuyện về những người thầy thắp lửa” của nhóm tác giả: Lê Thị Hằng, Kiều Thanh Phượng, Trần Bá Duy, Trần Nguyễn Anh Thu, Cao Thị Phương Lan (Báo VOV2 – Đài Tiếng nói Việt Nam); “Tự chủ đại học – Xu thế cần nhân rộng” của nhóm tác giả: Lê Tuấn Anh, Ngô Hương Sen, Đoàn Xuân Kỳ, Thị Thu Phương (Báo Nhân dân); “Hành trình 30 năm thay đổi số phận trẻ bụi đời của nhà giáo 74 tuổi” của nhóm tác giả Vũ Lụa, Diệu Bình (Báo Điện tử VietNamNet); “Lớp học trên Nóc Ông Ruộng” của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Bá Trung, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Tài Việt (Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam).
Ban Tổ chức cũng lựa chọn 1 tác phẩm xuất sắc nhất trong 4 tác phẩm giành giải Nhất để trao giải Đặc biệt, đó là tác phẩm “Chuyện về những người thầy thắp lửa” của VOV2 Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Chuyện về những người thầy thắp lửa” với hình thức thể hiện đa phương tiện, thân thiện, tương thích với các thiết bị nghe nhìn phổ biến hiện nay, tác phẩm đã nối cầu hiện trường, nối cầu thính giả, ghi hình phát sóng trực tiếp để kể câu chuyện giàu cảm xúc về các nhà giáo cắm bản, bám làng, hy sinh rất nhiều trong cuộc sống đời tư để cống hiến cho nghề.
Kết thúc buổi lễ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chính thức phát động Giải thưởng Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2020 với hy vọng, giải thưởng trong những năm tiếp theo sẽ thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của các cơ quan báo chí; sự tham gia đông đảo của các phóng viên báo chí trong cả nước; ghi nhận và vinh danh xứng đáng sự nỗ lực tìm tòi, công sức, cống hiến của mỗi người làm báo với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Ý kiến ()