Trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” 2021 thu hút được sự tham gia của nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, có sự đầu tư, nghiên cứu cả về hình thức lẫn nội dung, thể hiện sự vượt trội về chất lượng so với mọi năm.
Sáng 13/11, Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” 2021 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôn vinh các tác giả và tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà. Bên cạnh đó, giải báo chí là dịp để vinh danh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Đến tham dự Lễ trao giải có: Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay rất tốt, nội dung bám sát các vấn đề thời sự của ngành giáo dục. Nhiều tác phẩm có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện, phần nào thể hiện rõ sự lao động miệt mài của báo chí. Các tác phẩm báo chí như một cánh tay nối dài để Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được triển khai hiệu quả hơn.
Các tác phẩm báo điện tử, báo in được thiết kế, trình bày đẹp và ấn tượng. Nhiều tác phẩm báo điện tử được áp dụng nền tảng đa phương tiện, phát huy thế mạnh sáng tạo, sinh động và thân thiện của loại hình Longform hay eMagazine. Chăm chút kỹ hậu kỳ, sáng tạo trong khâu thể hiện và cách dẫn dắt lôi cuốn cũng là những ấn tượng được ghi nhận ở các tác phẩm truyền hình dự thi. Ở loại hình báo phát thanh, các tác phẩm được xử lý theo hình thức hiện đại, với cách đặt vấn đề và trình bày sinh động và lôi cuốn. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện cao, tôn vinh những tấm gương có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân cả nước vào nền giáo dục nước nhà.
Tham gia dự thi Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần này, chuỗi bài “Năm học giãn cách và ngày khai trường đặc biệt” của nhóm phóng viên Báo Nhân Dân, được thể hiện dưới hình thức eMagazine áp dụng các giải pháp công nghệ đa phương tiện, giành giải Khuyến khích.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đánh giá rất cao giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, vì tầm ý nghĩa chính trị xã hội cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cuộc thi góp phần xây đắp niềm tin của xã hội với nền giáo dục nước nhà.
Năm 2021 là năm thứ tư Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện,
Từ hơn 700 tác phẩm gửi về, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 89 tác phẩm vào vòng chung khảo. Ban tổ chức đã tìm ra 4 tác phẩm đoạt giải Nhất; 8 tác phẩm giải Nhì; 12 tác phẩm giải Ba và 38 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Hội đồng Chung khảo cũng đề xuất 3 nhân vật tiêu biểu trong 3 tác phẩm đoạt giải để trao giải Nhân vật tiêu biểu; 1 Giải Đặc biệt được lựa chọn trong các tác phẩm đoạt giải Nhất của 4 loại hình.
Ba nhân vật được trao giải “Nhân vật ấn tượng” gồm vợ chồng A Kâm – nhân vật trong tác phẩm “Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm” (Báo Thanh Niên); cô giáo Trương Thị Nhượng – nhân vật trong loạt bài “Người cố níu con chữ cho những đứa trẻ trên cao nguyên đá” (Báo VietnamNet); ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam – nhân vật trong tác phẩm “Trải thảm đỏ săn người giỏi về dạy học” (Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh).
Đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch, giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh ấy, có những tấm gương nhà giáo đã xung phong nơi tuyến đầu chống dịch, cũng có những người thầy, người cô vẫn luôn nỗ lực vừa chống dịch vừa dạy học trực tuyến hiệu quả.
Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành giáo dục đã chủ động, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ý kiến ()